Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre tham gia ý kiến vàodự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tham gia phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho rằng: Về tên gọi của dự thảo luật: Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua vào năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, đến nay đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và vào năm 2019. Và hiện nay theo dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung 92 điều trên tổng số 232 điều chiếm 40% số điều luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên có sự rà soát, sửa đổi một cách toàn diện tổng thể Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.
Về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng: Tại khoản 34, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 75 của luật hiện hành, theo đó quy định tùy từng trường hợp mà một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây có thể được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa cụ thể, dẫn đến áp dụng một cách tùy tiện trong quá trình thực hiện. Việc đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng và từ đó có thể không chính xác hoặc không đảm bảo sự công bằng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên phân ra hai nhóm tiêu chí: Một là nhóm tiêu chí bắt buộc và hai nhóm tiêu chí tham khảo để dễ thực hiện. Đồng thời, tránh việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tùy tiện.
Về quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước: Quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 36 và Khoản 37 của Điều 1 dự thảo luật. Về nội dung này, dự thảo luật đưa ra 2 phương án xin ý kiến đại biểu. Đại biểu thống nhất chọn phương án 1, bởi vì quy định theo phương án này sẽ tạo động lực khuyến khích các chủ thể chủ trì đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào phương án cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan, khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Về quyền đối với giống cây trồng: Quy định tại Khoản 84, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 190 của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, bổ sung thêm hành vi không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ, đó là hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất mình có quyền sử dụng, trong giới hạn hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đối với giống cây trồng nhân giống từ hạt. Đại biểu đề nghị cần xem xét, điều chỉnh quy định sao cho bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu giống cây trồng và người sử dụng giống cây trồng, đồng thời quy định sao cho dễ thực hiện, dễ xử lý nếu vi phạm. Quy định như trong dự thảo luật thì rất khó cho công tác quản lý, bởi hiểu như thế nào là trong giới hạn hợp lý thì không ai xác định được. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về quyền sở hữu đối với giống cây trồng được nhân giống bằng các phương pháp vô tính, như: Giâm, chiết cành đang được áp dụng phổ biến trong sản xuất giống cây trồng hiện nay ở nhiều địa phương...
Phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Bến Tre về dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoàn toàn thống nhất cao với việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu nêu ý kiến: Về Điều 3 quy định vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động. Trong dự thảo của luật quy định là cảnh sát cơ động thuộc công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu cũng đề nghị chúng ta nên nghiên cứu lại lực lượng vũ trang nhân dân. Bởi vì theo Điều 23 của Luật Quốc phòng thì xác định lực lượng vũ trang nhân dân gồm có quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Cho nên đại biểu đề nghị lực lượng vũ trang nhân dân nên cân nhắc. Nếu quy định là cảnh sát cơ động thuộc công an nhân dân như thế là đủ, không cần phải nhấn mạnh thêm lực lượng vũ trang nhân dân vì nó không phù hợp với Luật Quốc phòng.
Tại Điều 13 là hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, đại biểu hoàn toàn thống nhất cao với phương án 1. Nếu chọn phương án 2 thì cũng đề nghị nên xem xét lại cơ cấu tổ chức của lực lượng cảnh sát cơ động ngay trong Điểm d là lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy. Theo đại biểu nên sửa lại lực lượng này là lực lượng bảo đảm thì nó phù hợp hơn.
Tại Điều 21 về trang bị của cảnh sát cơ động đại biểu thống nhất trang bị tàu bay, nếu nói tàu bay thì bao hàm rất lớn, nó nhiều kiểu loại. Cho nên đại biểu đề nghị nếu trang bị tàu bay thì chúng ta nên quy định kiểu loại và số lượng cụ thể, giới hạn kiểu loại, tức là trang bị máy bay trực thăng.
Tại Điều 24 về tuyển chọn công dân vào cảnh sát cơ động, tại Khoản 1: “Là công dân Việt Nam không phân biệt nam nữ có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe độ tuổi phù hợp”, đại biểu đề nghị thay “độ tuổi phù hợp” bằng cụm từ là “đủ 18 tuổi trở lên” thì nó phù hợp kể cả Luật Nghĩa vụ quân sự.
Thứ ba, tại Điểm 3 đề nghị thay cụm từ “Bộ Công an” thành “Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều này”.
Tin, ảnh: Hồng Yến