
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn Bến Tre điều hành phiên thảo luận Tổ 9.
Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn khẳng định: Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng GTĐB còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy; một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Luật GTĐB năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn GTĐB, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.Vì vậy, việc tách các nội dung của Luật GTĐB năm 2008 để xây dựng 2 dự án luật (Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ) là cần thiết.
Trên cơ sở tờ trình, hồ sơ các dự án Luật và Báo cáo thẩm tra, đại biểu trân trọng đề nghị vị ĐBQH tập trung thảo luận về một số vấn đề của Dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn GTĐB: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật;quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; đường bộ cao tốc; hoạt động vận tải đường bộ…Đối với dự án Luật an toàn GTĐB đề nghị ĐBQH thảo luận về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; quy tắc giao thông đường bộ; về phương tiện tham gia GTĐB , nhất là về điều kiện phương tiện tham gia GTĐB; về đấu giá biển số xe ô tô; về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB trong hoạt động kinh doanh vận tải; người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB …
Phát biểu về dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Võ Văn Hội, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, ĐBQH Đoàn Bến Tre đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ đối với dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB và đóng góp vào một số Điều, khoản cụ thể của 2 dự thảo luật.

Đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tại Tổ 9 về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thứ nhất, góp ý đối với Dự thảo Luật Đường bộ: Đại biểu đề nghị chuyển nội dung tại khoản 1, 2, Điều 7 quy định về hệ thống giao thông thông minh “Hệ thống giao thông thông minh là hệ thống ứng dụng các công nghệ điện tử, thông tin, truyền thông, khoa học quản lý vào giao thông nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa ba yếu tố con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng đường bộ tạo thành một hệ thống giao thông có trí tuệ, hiệu quả, an toàn, chính xác, tức thời và thân thiện môi trường;
Kiến trúc hệ thống giao thông thông minh là một khung tổng thể về các miền dịch vụ giao thông thông minh; mối liên kết về mặt logic và vật lý giữa các thành phần hệ thống giao thông thông minh; các luồng thông tin và dữ liệu kết nối các chức năng và các thành phần hệ thống giao thông thông minh” ; khoản 1, Điều 10 quy định phân loại đường bộ theo cấp quản lý “việc phân loại đường bộ để quản lý, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, đường chuyên dùng như sau: a) Đường chính là đường phục vụ giao thông chủ yếu trong khu vực, kết nối giao thông các khu vực, vùng; b) Đường nhánh là đường nối vào đường chính, có chức năng kết nối giao thông các khu vực hai bên đường và từ đường gom vào đường chính thông qua nút giao...” lên Điều 3 phần giải thích từ ngữ sẽ phù hợp hơn vì các nội dung này mang tính chất là một khái niệm.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9): Tại khoản 4 quy định hành vi bị nghiêm cấm “Tự ý lắp đặt, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ”. Để bảo đảm quy định những hành vi bị nghiêm cấm được đầy đủ, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 4, Điều 9 cụm từ “tháo dỡ, di chuyển, gây hư hỏng, hủy hoại” và điều chỉnh nội dung này lại thành“Tự ý lắp đặt, điều chỉnh, che khuất, tháo dỡ, di chuyển, gây hư hỏng, hủy hoại báo hiệu đường bộ”.
Về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông (Điều 33): tại khoản 4 quy định “Tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư kinh doanh và bảo đảm độc lập với tổ chức tư vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế công trình…”. Theo đại biểu, tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông thực hiện thẩm tra an toàn giao thông ngoài đảm bảo tính độc lập với tổ chức tư vấn thiết kế đề nghị cần bổ sung thêm quy định là phải độc lập với đơn vị thi công, như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan trong hoạt động thẩm tra an toàn giao thông trước khi đưa công trình đường bộ vào khai thác.
Thứ hai, đối với dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB: Về sử dụng đèn (Điều 19): tại Khoản 1 quy định “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau… phải bật đèn chiếu sáng phía trước”. Đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định như vậy chưa phù hợp vì trên thực tế thời tiết nước ta vào tháng 10, lúc 18 giờ trời rất tối, nhất là các tuyến đường chưa có đèn đường, nếu tham gia giao thông trong khoảng thời gian như dự thảo luật quy định là bắt đầu từ 19 giờ mới bật đèn chiếu sáng sẽ không đảm bảo ATGT, dễ xảy ra tai nạn. Do đó, để đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với thời tiết hiện nay, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại khung giờ người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải bật đèn chiếu sáng phía trước “từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau” thành “từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau”.
Về sử dụng tín hiệu còi (Điều 20): tại khoản 2 quy định: “Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, khu đông dân cư và khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này”. Đại biểu cho rằng, quy định không được sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, khu đông dân cư và khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ là chưa phù hợp vì trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, các phương tiện vẫn còn tham gia giao thông, nếu người điều khiển phương tiện gặp tình huống xảy ra có thể gây mất an toàn giao thông mà không cho sử dụng còi trong khoảng thời gian này để báo hiệu, cảnh báo thì rất nguy hiểm. Đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định tại Khoản 2 cho phù hợp thực tế và thống nhất với Khoản 1 điều này về những trường hợp được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB (Điều 79):, đại biểu Đề nghị bổ sung vào Điều 79 nội dung quy định trách nhiệm của Bộ giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp với Bộ Công an, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Tin, ảnh: Hồng Yến