Đại tướng võ nguyên giáp - Nhà quân sự đại tài, nhà khoa học xuất sắc

23/12/2013 - 09:12
Mẹ Suốt (Anh hùng Nguyễn Thị Suốt, Quảng Bình)với Đại tướng tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ tổ chức ở Hà Nội ngày 28-12-1966. Ảnh tư liệu

LTS: Giáo sư  Văn Tạo - người có nhiều công trình khoa học lịch sử về Bến Tre và là cộng tác viên của Báo Đồng Khởi, vừa từ Hà Nội gửi đến Tòa soạn bài viết hết sức cảm động về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù ở cương vị nào đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết đóng góp nhiều ý kiến quan trọng và những vấn đề lớn của đất nước, nhất là trong khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới”.

Cũng trong lễ tang, nhiều nhà khoa học đã đánh giá cao khoa học quân sự và luôn nhớ đến tài năng chỉ đạo phát triển khoa học kỹ thuật của Đại tướng. Đó là một điều tôi rất tâm đắc, vì tôi hân hạnh từ sớm đã được Đại tướng giao cho việc cùng với tập thể các nhà khoa học chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.

Kể từ năm 1976, Đại tướng được nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác phát triển khoa học kỹ thuật để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thiếu nhi Hà Nội hát mừng sức khỏe Đại tướng tại nhà riêng năm 1995.
Ảnh tư liệu

Sau khi nhận Chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ về vấn đề này, tập thể các nhà khoa học đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập đến đặt vấn đề: Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam như Trung ương đã chỉ đạo.

Qua trao đổi, trong kết luận của Đại tướng, Người đã chỉ rằng: Muốn thành lập Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam thì trước hết phải xem dân tộc Việt Nam trong lịch sử đã có truyền thống khoa học kỹ thuật chưa. Có người cho rằng dân tộc ta có truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước mà trong dựng nước chủ yếu phát triển khoa học xã hội và nhân văn, còn khoa học kỹ thuật thì không có, hoặc rất chậm phát triển, thậm chí có người coi chúng ta chân trắng về lĩnh vực này.

Đại tướng suy nghĩ nhiều và cuối cùng triệu tập tôi lên giao nhiệm vụ là phải làm rõ trong lịch sử dân tộc ta dã có truyền thống khoa học kỹ thuật chưa, trình độ đến đâu?

Tôi vinh dự, vui mừng được Đại tướng giao việc đó và thấy rằng sự cần thiết phải làm một công trình về khoa học kỹ thuật trong lịch sử Việt Nam với tinh thần tập hợp trí tuệ của tập thể, mà thời gian thì Trung ương Đảng giao cho nhiệm vụ chuẩn bị là 2 năm sau khi giải phóng miền Nam (1977). Vì vậy, công trình này phải hoàn thành năm 1978 để làm sao năm 1979 có thể ra mắt được độc giả, tích cực đẩy mạnh việc cho ra đời Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Tôi tin tưởng, phấn khởi, lo lắng nhưng quyết tâm.

Để tập hợp một số nhà sử học và các nhà hoạt động về khoa học ở các ngành khác, phân công nhau ra, tôi làm đề cương, phân công nhau ra để nghiên cứu, quyết tâm nghiên cứu từ năm 1977 đến năm 1978, làm sao cuối năm 1978 đầu năm 1979 là có thể in được. Và thực tế là tập thể các nhà khoa học đã hưởng ứng yêu cầu đó, đề nghị đó của đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và cũng có phần tin cậy ở trách nhiệm của Viện Sử học Việt Nam. Chúng tôi đã phân công nhau và hoàn thành công trình này vào năm 1978.

Qua xét duyệt, kiểm tra thì thấy là tương đối đạt, đã cho in ấn phát hành đối với số lượng 10.200 cuốn, dày 435 trang, khổ 14x21, được Ủy ban Khoa học xã hội đánh giá tốt, trao cho giải thưởng gọi là Sách hay của năm 1979.

Sau khi hoàn thành bản thảo, trước khi in, chúng tôi báo cáo với Đại tướng nhiều lần, Đại tướng cho triệu tập một cuộc họp nhiều nhà khoa học cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tôi nhớ có tới hơn 300 người. Tôi được phép trình bày nội dung mà tôi khẳng định rằng: Đúng là Việt Nam có truyền thống khoa học xã hội và nhân văn, nhưng về khoa học kỹ thuật không phải là không có mà chúng tôi đã viết vào cuốn sách này: Nhờ có khoa học kỹ thuật mà dân tộc ta mới sinh sôi nảy nở và trường tồn cho đến bây giờ, dân số từ 1 triệu, 2 triệu đến 5-7 triệu và lúc đó cũng là hơn 20 triệu, lại có tài năng, có sức khỏe, đủ bản lĩnh để bảo vệ đất nước. Thế vậy, công trình đó gồm những gì? Hôm ấy tôi đã trình bày toàn bộ, nhưng 3 lần, được Đại tướng cho ngừng hội nghị để cổ vũ, vỗ tay.

Lần thứ nhất tôi trình bày về dân tộc ta từ cổ đại đã có kỹ thuật luyện kim đúc đồng, từ đồ đồng sang đồ sắt, đặc biệt thời đại đồ đồng di sản còn lại các trống đồng: Trống đồng Đông Sơn, trống đồng Hữu Chum, trống đồng Ngọc Lũ… Nghiên cứu bấy giờ thấy rằng phân tích khoa học: Trống đồng, mũi tên đồng, thạp đồng, các dụng cụ bằng đồng đều có những hợp kim hoặc có độ bền dẻo dai, hoặc có độ cứng sắt nhọn để làm mũi tên đồng, đặc biệt âm thanh của trống đồng có các nốt phù hợp với âm nhạc hiện đại, tức là có nội dung khoa học âm nhạc, độ dày rất mỏng và âm thanh rất hay mà bây giờ chúng ta đúc lại cũng khó bằng được. Về mặt toán thì những hoa văn trang trí có biểu hiện của số học và kỷ hà học. Về mặt xã hội nhân văn thì biểu lộ được 3 thế giới là thiên đường; nhân gian và âm phủ… tức đây là một tập đại thành của cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mà khoa học tự nhiên được khẳng định ở trình độ của thời đại đó. Khi tôi sang Indonexia, sang Nhật, các bạn tôi đều nói rằng: Thời đại đồ đồng thì Việt Nam xưa là khá rực rỡ, thời đại đồ sắt không cao bằng các nước xung quanh. Nhiều những kỷ vật về đồ đồng ở Indonexia và ở Nhật trưng bày đều đánh giá nghệ thuật đúc đồng ở Việt Nam khá cao. Khi tôi nói đến đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp vỗ tay và tán thành cổ vũ. Đến lúc tôi nói về nông nghiệp Việt Nam có những yếu tố khoa học về canh tác lúa nước, về trị thủy thủy lợi, thì nó càng được nhân lên bổ sung thành một ngành bây giờ ta gọi là khoa học, bấy giờ gọi là chuyên thâm nông nghiệp trị thủy thủy lợi, mới có thể duy trì được cuộc sống của Việt Nam. Đến đây cũng được đồng chí cổ vũ vỗ tay.

Đến đoạn thứ ba tôi nói về y học, thì dân tộc ta đã có truyền thống, mà y học thì bao gồm cả khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn xã hội, cụ thể như: vận dụng các khoa học khí tượng chuyên văn địa lý, rồi sử dụng những chất khoa học như: thạch tín, thủy ngân, lưu huỳnh… để sát trùng diệt khuẩn… Nói tóm lại, y học của ta đã có trình độ về khoa học kỹ thuật nhất định. Đến đây cũng lại được cổ vũ.

Đại tướng thăm thương, bệnh binh ở Quân y viện 108 nhân ngày
Thương binh Liệt sĩ 27-7-1969. Ảnh: Internet

Chúng tôi vui mừng là một số nhà khoa học đọc duyệt và báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng cho phép tiếp thu ý kiến đóng góp của mỗi người, nhanh chóng xuất bản, vì đây là lần đầu tiên, rồi có thể cho tái bản thì tốt hơn.

Có sự chỉ đạo kiên quyết, sự cổ vũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự nhiệt tình đóng góp của các bạn, các nhà khoa học, mà công trình đó đã có sức sống trường tồn. Đến năm 2001, đồng chí Hoàng Tùng - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, có thời làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, ở vị trí khoa học văn hóa như vậy đã viết cho tôi một cái thư viết tay, tôi còn giữ đây. Nội dung như sau:

“Hà nội, ngày 17 tháng 9 năm 2001

Thân gửi anh Văn Tạo

Trước hết tôi chân thành cảm ơn anh khi mới xuất bản cuốn sách Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sử. Nhận được tôi đọc liên tục nhiều ngày, vừa sửa vừa viết bài cho Báo Nhân Dân vừa say mê về cuốn sách cho tôi nhiều thông tin mới, có thể thấy về nền văn minh của dân tộc ta. Rõ ràng, tuy không cố ý, cuốn sách đã bác bỏ luận điệu sai lầm cho rằng người mình không có tính sáng tạo, chỉ biết bắt chước mà thôi (Thí dụ ý kiến của Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược).

Gần đây đọc lại cuốn sách tôi vẫn bị lôi cuốn và hứng thú. Tôi cho rằng, cuốn sách quý của chúng ta nên được in lại cho lớp người mới nhằm tạo niềm tự hào đối với thế hệ trẻ đang đi vào cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại ở nước ta.

Thực mong mọi điều tốt lành

Thân ái,

Hoàng Tùng”

Mấy lời chân thành, thân ái kể trên của đồng chí Hoàng Tùng, nhà lão thành cách mạng của Đảng, nay tuy ông đã qua đời, nhưng di bút của ông kể trên để lại đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều và ngày nay nhân tang lễ Võ Đại tướng, chúng tôi lại thấy vô cùng biết ơn, kính trọng, khâm phục sự chỉ đạo của Đại tướng đối với chúng tôi lúc đó, đã giúp chúng tôi có những cống hiến nhất định vào sự phát triển nền khoa học kỹ thuật của nước nhà. Sau khi công trình ra đời, vào những năm đầu thập kỷ 80 chúng tôi được Đại tướng giao việc. Xin dẫn ra đây một vài tư liệu như: Bức thư Đại tướng gửi cho tôi ngày 2-2-1982, với nội dung:

“Thân gửi đồng chí: Văn Tạo, Viện phó Viện Sử học.

Để chuẩn bị bài phát biểu về: “Vấn đề khoa học và kỹ thuật”, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đề nghị đồng chí cho biết ý kiến.

1. Nội dung nên đề cập đến những vấn đề gì?

2. Vấn đề nào đồng chí cho là quan trọng nhất?

Do thời gian có hạn, đề nghị đồng chí phát biểu bằng giấy khoảng 2 trang (đánh máy hoặc viết tay) và gửi đến tôi (30 Hoàng Diệu), càng sớm càng tốt, trước ngày 28 tháng 2 năm 1982.

Văn”.

Bức thư thứ hai, nội dung như sau:

“Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1985,

Thân gửi đồng chí Văn Tạo, Viện Sử học, Ủy ban Khoa học xã hội.

Trong lúc nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật, tôi đang nghiên cứu vấn đề:

Cách mạng khoa học - kỹ thuật ở nước ta trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đề nghị đồng chí có ý kiến gì về vấn đề quan trọng này (về đặc điểm và nội dung chung, quy luật chung cũng như lĩnh vực khoa học chuyên ngành đồng chí phụ trách) thì viết thư cho tôi, 3-5 trang hoặc dài hơn cũng được, đánh máy hay viết tay cũng được.

Đồng chí có tư liệu gì về vấn đề trên (nhất là về khoa học - kỹ thuật trên thế giới) thì giới thiệu tên sách, nếu được thì gửi cho mượn.

Tôi mong đến cuối tháng 7 năm 1985 sẽ nhận được những ý kiến sơ bộ của đồng chí.

Rất cám ơn.

Thân, Võ Nguyên Giáp”

Trong khoảng những năm 1980-1985, việc lập Viện Hàn lâm thì Đại tướng quan tâm hơn và những lần chúng tôi được gặp gỡ, nghe báo cáo, chúng tôi cũng trao đổi với nhau rằng: Việc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được ghi trong các nghị quyết đại hội và nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đều quan tâm đến việc xây dựng tổ chức quản lý chỉ đạo phát triển khoa học kỹ thuật mà danh từ Viện Hàn lâm đã đôi chỗ được nhắc đến. Lúc đó trong bạn đàm, trong hội thảo hoặc giữa các giờ giải lao, các nhà khoa học đều quan tâm đến việc tổ chức Viện Hàn lâm như thế nào, kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản chủ nghĩa như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng: Cần lắm phải tập hợp các nhà trí thức, bồi dưỡng đào tạo lên có trình độ Viện sĩ, được công nhận danh hiệu Viện sĩ, thì các Viện sĩ ấy sẽ cử lên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm,… Có người nói: Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Viện Hàn lâm thì tuyệt vời, cũng có người nói Đại tướng khiêm tốn lắm, Người chỉ làm quân sự thôi, chứ không nhận làm Viện Hàn lâm đâu. Có đồng chí nêu rõ: Chúng ta có những nhà khoa học mọi ngành, như: Về cơ giới kỹ thuật quân sự thì Trần Đại Nghĩa; về giáo dục thì có Tạ Quang Bửu; về toán học có Lê Văn Thiêm; về giáo dục học có Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân; về y học có Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước…; về địa chất có Nguyễn Văn Triển; về khoa học xã hội có Trần Đức Thảo - triết học, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu - nhà sử học, đều xứng đáng có thể trở thành Viện sĩ của Viện Hàn lâm khoa học. Các vị đó có thể cử ra làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch khoa học. Chúng tôi hy vọng như vậy, cũng theo đồng chí Võ Nguyên Giáp mong muốn rằng Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nhanh chóng ra đời, tiếc rằng cuộc khủng hoảng của chúng ta từ năm 1978 đến năm 1986, trước Đại hội VI của Đảng, rồi tiếp đó lại gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, giải quyết nạn đói nghèo… Việc thành lập Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam chưa được thực hiện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y (tháng 5.1973).
Ảnh: Internet

Khi cúi đầu kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi nghĩ rằng: Việc Chính phủ cho ra đời Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mới đây, chắc Đại tướng vui mừng và ngày nay dưới suối vàng, Đại tướng cũng mong mỏi, ước vọng rằng: Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam sẽ được hoàn chỉnh, phát triển, tiến lên ngang tầm các nước khu vực và thế giới. Với tôi, tôi nhớ lại có một lần, Hội Sử học lên chúc thọ Đại tướng, Người đã cho tôi được ngồi gần bên tay trái và cho phép tôi được phát biểu. Tôi đã xin phép thưa rằng: Thưa anh Văn, em vô cùng kính trọng anh, biết ơn anh. Trong nhà em có bàn thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, em luôn luôn để ảnh anh ngang tầm đó và gia đình nguyện rằng sau này anh quy tiên sẽ được mãi mãi dâng hương thờ phụng anh trong từ đường gia tộc.

Giữa năm 2012, khi phu nhân của Đại tướng, nhà sử học Đặng Bích Hà có cuộc gặp mặt với các nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà sử học. Chúng tôi đã đề nghị là: Sau khi Đại tướng quy tiên, thì nhà 30 Hoàng Diệu, Chính phủ nên giữ làm Nhà lưu niệm, Nhà Bảo tàng Võ Nguyên Giáp, không chỉ về lưu niệm Đại tướng mà còn ghi về sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Giáo sư Văn Tạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN