Lịch sử
Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch ĐBP không diễn ra liên tục mà được
chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ ngày 13 đến 17-3-1954): Quân
ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ
cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm ĐBP; diệt và bắt sống trên 2 ngàn tên địch,
phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi-Rốt,
Tư lệnh pháo binh Pháp ở ĐBP bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự
sát.
Giai đoạn 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954):
Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm; thắt chặt
vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch
cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt
nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao
thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày và đồi A1
giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm ĐBP đã nằm trong tầm
bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần
cao độ.
Giai đoạn 3 (từ ngày 1 đến 7-5-1954): ta đánh
dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại, bắt
sống Tướng De Castries, kết thúc chiến dịch. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm,
mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm ĐBP, tiêu
diệt và bắt sống 16,2 ngàn tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô-tô và toàn bộ vũ
khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.
Chiến dịch ĐBP kéo dài suốt 55 ngày đêm đã
giành thắng lợi hoàn toàn vào chiều ngày 7-5-1954, kết thúc 9 năm kháng chiến
trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với chiến thắng này, ĐBP đã đi vào lịch
sử thế giới như một sự kiện làm thay đổi cục diện thế giới do các cường quốc
thiết lập nên lúc bấy giờ và góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập
dân tộc của các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và thiết lập lại trật tự thế
giới nửa sau thế kỷ XX.
Vị tướng
lỗi lạc và tài ba của dân tộc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911,
làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà
nho có truyền thống cách mạng yêu nước; ông là một nhà chỉ huy quân sự và là
nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Ông là Đại tướng, Tổng tư lệnh đầu tiên của
Quân đội Nhân dân Việt Nam (được phong quân hàm Đại tướng ở tuổi 37), ông chỉ
huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chiến tranh Việt Nam
(1960-1975). Ông tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Biên
giới Thu Đông 1950, Chiến dịch ĐBP (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến
dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Tên ông còn được biết đến với cách
gọi quen thuộc là tướng Giáp hoặc anh Văn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng giữ các chức vụ:
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông cũng là một trong những
người góp sức thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ,
nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học
trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là chỉ huy chính trong chiến
dịch ĐBP, đánh bại thực dân Pháp và cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải
phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuất thân từ một trí thức, từ một giáo viên dạy
sử, ông sớm trở thành người có đầu óc và đường lối quân sự đúng đắn, được đánh
giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài ba nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ông cũng được đánh giá là một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới.
Dư luận quốc tế đánh giá chiến thắng ĐBP và
công lao của ông rất cao; đó là một sự kiện “long trời lở đất” làm lung lay tận
gốc rễ thế lực thực dân đế quốc phương Tây, một tấm gương sáng và kinh nghiệm
quý báu cho trào lưu giải phóng dân tộc khắp thế giới. Dư luận Mỹ cho rằng, chiến
thắng ĐBP được giải thích trước hết bởi cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt
Nam, bởi sự tài tình trong chỉ huy chính trị và quân sự, bởi sự ủng hộ mang
tính quốc tế của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Và điều quan trọng
hơn cả là chiến thắng ĐBP đã có tác động thực sự đưa đất nước Việt Nam lên bản
đồ thế giới và xác định chủ quyền dân tộc của người Việt.
Đại tướng không chỉ là một vị tướng tài ba
trong quân sự mà còn là một nhân cách lớn được cả dân tộc kính yêu. Lòng ngưỡng
mộ, tôn kính dành cho Đại tướng đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhận được sự
ca ngợi từ cả hai đất nước từng tham chiến trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại
Việt Nam. Cuộc đời - con người - sự nghiệp của Đại tướng là chủ đề nghiên cứu của
nhiều học giả trong và ngoài nước.