 |
Nghệ nhân Phạm Ngọc Thành đang lưu giữ rất nhiều tài liệu về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. |
http://image.baodongkhoi.vn/news/2015/20150717/fckimage/11899108_ong-pham-ngoc-thanh-chu-tich-hoi-sinh-vat-canh-huyen-chau-thanh-hien-cu-ngu-tai-xa-tan-thach-ong-.
Ở tuổi 70, ông Thành có thâm niên hơn 40 năm thu thập kiến thức và kinh nghiệm thực hành về chưng hoa quả, tạo hình kiểng bonsai, kiểng khô, điêu khắc gỗ… Ông thực hiện và lưu giữ nhiều tranh khắc gỗ với các tên gọi như: Long phụng trình tường, Mai lan cúc trúc, Ngũ phúc lâm môn, Niên niên hữu dư… Ông có thể chưng trái cây mâm kiểu ở rất nhiều đám hỏi, đám cưới, lễ hội. Đặc biệt, thông qua sách, báo, ông đã thu thập, lưu trữ nhiều tài liệu, bài viết, hình ảnh (bắt đầu từ năm 1990 đến nay) về cây kiểng, sân vườn, non bộ… Ông cũng đã từng học qua lớp kiểng cổ do Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre tổ chức. Hiện ông là một trong những nghệ nhân có kiến thức khá sâu rộng về lĩnh vực điêu khắc gỗ, tạo hình kiểng bonsai, kiểng khô và chưng mâm ngũ quả. Nhiều năm qua, ông được mời thỉnh giảng hơn 200 lớp bồi dưỡng những kỹ năng thuộc lĩnh vực nêu trên. Ngoài ra, ông còn được các tỉnh: Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang mời thỉnh giảng.
Nói về “duyên nợ” với lĩnh vực thực hành di sản văn hóa phi vật thể, ông cho biết: “Sở thích đó có trong tôi từ thời còn trẻ. Tôi lân la làm quen với các cụ cao niên có kiến thức lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, sau đó xin học và tập tành thực hiện việc chạm khắc. Ban đầu, tôi chạm khắc cẩn ốc xà cừ, tiện gỗ chân bàn, tạo hình Phước Lộc Thọ (phù điêu)... Được một thời gian, tôi chuyển sang thực hiện tranh khắc gỗ (trên cây gõ hay căm xe). Khi bắt tay làm bất cứ tác phẩm nào, tôi cũng đều dồn cả tâm huyết vào đó. Tôi muốn nó phải thật hoàn mỹ”. Có lẽ vì thế, các tác phẩm của ông đều mang tính nghệ thuật cao, trông sắc sảo và có hồn. Với tranh khắc gỗ, ông bảo trước nhất là vẽ trên gỗ bằng bút chì, sau đó sử dụng đục nhiều kiểu từ rất nhỏ đến rất lớn (từ 0,5 - 4cm), cần tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất. Thời gian thực hiện khá dài, có bức tranh thực hiện gần 3 năm mới xong. Phần lớn tác phẩm của ông không kinh doanh mà để trưng bày tại nhà.
Riêng đối với việc tạo hình kiểng bonsai, kiểng khô, theo ông, cũng tùy vào từng trường hợp mà linh động áp dụng các kiến thức để đạt được sự hài hòa về mỹ thuật và giá trị của vật phẩm. Ông đã được nhiều nơi tổ chức sự kiện mời tới để thực hiện việc chưng mâm ngũ quả. Ông không chỉ dừng lại ở những mẫu quen thuộc, mà còn nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu mới. Cũng là hình ảnh long, phụng, các con vật khác… nhưng các tác phẩm luôn được tạo dáng mới, trang trí theo nhiều kiểu, trông rực rỡ và bắt mắt hơn.
Từ những đóng góp trên, ông được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sinh vật cảnh, 2 bằng khen của Trung ương Hội Sinh vật cảnh, 3 bằng khen của UBND tỉnh và 19 giấy khen của Hội Sinh vật tỉnh và huyện. Sự cần mẫn lao động, sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực thực hành di sản văn hóa phi vật thể của ông thật đáng trân trọng.