Luôn đi sau cùng, em biết “con nhỏ” mà người ta nói là mình. Cậu Bằng không khùng, chỉ bị động kinh. Bịnh đó không lây, dù em và cậu suốt ngày dắt dây với nhau.
Chỉ trừ những bữa mưa, con Điều không chịu được lạnh, cuộc diễu hành mới không kéo lê cái đuôi đi dài xóm. Hai mươi mốt năm, cái câu nói nửa ngao ngán nửa như cảm thán của người Nhơn Thành cũng khác. Thôi lo con cháu bị khùng lây, họ bắt đầu vẽ nên ân oán trong kiếp trước đã buộc đứa bé gái với thằng cậu bị chứng kinh phong. Và sau cái bữa em bỏ thi về, họ kêu “con Kim Em chắc nợ cậu nó phải từ bảy kiếp”.
Cổng trường đại học khép chặt sau buổi thi sáng. Má mếu máo gọi khi vừa về chỗ trọ. “Thằng nhỏ lên cơn cản không nổi, trói lại thì chết cứng như mọi khi. Tính sao đây?”. Má hỏi như thể có nhiều hơn một đáp án, trong khi ba chữ Tính Sao Đây có thể thay bằng Về Đi Con. Nhưng chẳng có gì khác ngoài câu trả lời đang níu chặt tấm thẻ dự thi, như một kẻ vịn mép cái lá hy vọng khỏi rơi từ ngọn cây xuống đất. Nó ước gì mình không phải là lời đáp. Ở đầu bên kia khoảng lặng, ngờ một cọng gió mưu toan đổi hướng, má buông một câu đặt dấu chấm hết cho những phân vân.
“Con đành lòng để cậu ra đi lãng xẹt vậy sao?”
Sự mất mát nào cũng có lý của nó. Con người ta đôi lúc không có nhiều hơn một sự lựa chọn, nhất là khi biết trước rằng nếu làm khác đi, ắt sẽ phải trả giá.
Em lên xe về Nhơn Thành khi bạn bè tranh thủ đọc lần nữa tài liệu môn thi chiều, cố nhét vào đầu thêm chút chữ nào được chút ấy. Kể cả không nhét được chữ nào thì họ cũng yên bụng vì đã dốc hết sức cho việc thi phận. Núp dưới tàn cây, họ tụm ba tụm bảy trốn cái nắng hè, trong đầu hau háu những tương lai.
Cách nhà tám mươi cây số, em thấy mình ngồi trên kiệu bốn người khiêng. Kẻ chịu cán kiệu phía trước, bên trái có gương mặt cậu Bằng. Hắn mặc áo rách lộ ra những chiếc xương sườn tím tái giữa gió mùa đông bắc. Cầm cây roi da dài, em quất vào lưng gã mỗi khi thấy kiệu có dấu hiệu đi chậm lại. Máu rịn sau lằn roi.
Em biến thành bà chủ chứa, khi cột cây số báo Nhơn Thành còn bốn mươi cây. Mua vợ của một nho sinh nghèo, em đem về bán lại. Cô ta tủi nhục nhảy xuống Lục giang cùng với cái bụng mang. Anh chồng hóa điên, lang thang xó chợ tắt giọng gọi vợ ơi.
Sắp tới đầu lộ Gòn, không làm sao dịu bớt cái ý nghĩ em mắc nợ cậu trong tiền kiếp. Ở kiếp thứ tư mình đã xua chó cắn chết một gã ăn mày. Kiếp thứ bảy mình bỏ cậu đi theo làm thiếp cho quan, còn xúi quan giết quách chồng cũ cho rảnh. Từng kiếp sôi lên, và những người đàn ông mang gương mặt cậu đã bị bọn đàn bà mang gương mặt em hại cho sống không bằng chết.
Giờ này họ đã thi xong môn thứ hai, ngày mai còn hai môn nữa, cửa sẽ mở. Em nghĩ vậy khi bị xe trút xuống đường cùng đám bụi mù.
Cậu Bằng đón em bằng cái trán rách, vài cục bưu gù lên tím thẫm như có những cái sừng đang tìm cách đâm qua lớp xương cứng. Đau đớn, cộng với mấy lần chết ngất làm cậu kiệt sức đến nỗi không thể nhoẻn cười. Dính bết vào bộ mình là nước tiểu, dây trói. Là gốc cột bê bết máu, là sàn nhà lả tả những chân tóc dính máu cậu tự bứt.
Em đứng nhìn quang cảnh đúng hôm mình sinh ra. Khi đó cậu Bằng năm tuổi, lên cơn động kinh đúng lúc bà mụ Tám te tái xách cái giỏ trầu đựng cây dao cắt rún tới nhà. Không biết nên chạy vô với vợ đang đau đẻ hay ở lại chỗ thằng nhỏ man dã tự dộng đầu vô thềm đá, cha hốt cả nắm đũa ăn chụm cho ấm nước sôi.
Những người từng ở giữa một đứa trẻ sắp ra đời và một đứa trẻ đang chết, sau này đều nói họ tê dại bởi bất lực, những thứ đang diễn ra đều không thể ngăn lại được. Chúng cứ trôi đi.
Rồi tiếng khóc sơ sinh ngoe ngóe xé toang vách buồng. Không cần tét đít, em khóc ngay khi thò đầu ra khỏi má. Mụ Tám khen con nhỏ sau này dễ dạy. Bên ngoài, cậu Bằng chịu dừng lại, ngoẹo cái đầu sứt sẹo lả đi.
Nghĩ là trùng hợp tình cờ, nhưng người ta bắt đầu nhận ra cơn kinh giựt của thằng nhỏ ngưng khi nghe tiếng khóc trẻ con đòi sữa. “Má véo ngắt con hoài chớ gì, cho khóc, lúc cậu lên cơn”, má kể, giọng như khích lệ em hãy tự hào vì nước mắt thời được ẵm ngửa đã làm phước giúp người.
Nên em phổng mũi mỗi khi má chạy lại trường tiểu học kêu về, khi cậu Bằng sùi bọt mép. Sau này chỉ cần có em ở đó và nói hoặc hát bâng quơ, cậu lại qua cơn vắng ý thức, đơm nụ cười trên gương mặt dài dại. Mỗi khi có ai tấm tắc, “thằng Bằng không sống được nếu thiếu nhỏ Kim Em, kiểu này mai mốt lấy chồng cháu cũng phải dẫn cậu theo”, em lại ngỏn ngoẻn cười.
Nhưng suốt chín mươi ba cây số dài từ trường thi đại học trở về nhà, trong em chỉ ngập cảm giác bất hạnh. Ý nghĩ một người không sống nổi nếu thiếu mình làm vai em oằn. Em tuyệt không nhớ mình rất thích gương mặt mãi trẻ thơ của cậu, thích làn da của người ăn chay hơi xanh rờn rờn gân máu. Thích cách cậu mút vết thương mỗi khi em bị đứt tay, hay cái kiểu nghiêm trang tuần hành quanh bờ canh chừng bọn con trai rình rập cho em lặn ngụp thoải mái dưới ao bông súng. Em cũng không nhớ câu nói của ông nội “Coi bộ con Kim Em còn hơn má thằng Bằng”. Nghe vậy, người trong nhà xúm vô chọc riết thành quen, “Bằng, má đâu sao không đón về ăn cơm?”. Cậu ngỏn ngoẻn cười rồi dẫn tụi Còi, Cộc, Điều tới trường học, đứng ngoài rào gào lên, má ơi!
Bà má thật sự đã ngoe nguẩy mông xuống ghe đi biệt sau bữa ghé nhà sui gia, dúi thằng nhỏ trai ba tuổi vào tay con gái đang làm dâu ở đó, “Sắp tới đi biên giới lấy hàng, bây giữ thằng nhỏ giùm ít bữa. Buôn lậu dễ bị rượt, tao một thân chạy còn không xong, có con nít đeo theo khó lòng”. Vài lần bà ngoại đi ngang Nhơn Thành, ghe chạy lấn bờ bên kia, lỡ có ai bên nhà thông gia ra trước nhà bắt gặp thì bà vẫy tay nói vói lên “Khỏe không? Nay mắc công chuyện quá, bữa nào quỡn sẽ ghé chơi”. Có lần má rượt theo chiếc ghe, kẻ dưới sông kẻ trên bờ, ai nấy đều chạy xịt khói. Má lại để vuột mất ngoại ở ngã ba Vàm Nước Chảy. Đất giăng giăng ngại chi thêm một miệng ăn, ngoại nói.
Má không cách nào trả cậu Bằng lại. Chẳng ai muốn nuôi đứa trẻ bị kinh phong, làm dâu bên chồng như má càng ngại, càng không muốn dính líu tới bà mẹ đã gả con gái lấy hai trăm giạ lúa đi đánh bài, mặc cho chiếc ghe hàng bông ngày càng nát.
“Nói tôi nghe, bà làm má kiểu gì?”
Má nghiến răng vào lần đầu chứng kiến thằng em trợn tròng tím tái. Có thể cậu không mạnh giỏi lắm hồi còn là nằm trong bụng bà mẹ ngồi chầm quạt tứ sắc trắng đêm, nhưng khi ra đời cậu cũng khóc, cũng đòi ăn, cũng níu gấu khăn mút đỡ những khi đói lòng. Một bữa bà ngoại gói cậu trong chiếc manh bồng lên chợ Phấn Ngọn chơi, đến nơi chỉ còn cái khăn với chiếc chiếu. Đứa trẻ bốn tháng tuổi rớt dọc đường, chắc đau quá điếng đi, lúc khóc được thì ngoại đã bỏ xa một đoạn. Lúc nhận lại đứa nhỏ được dỗ nín bên đường, cũng có người hỏi bà làm má kiểu gì, bà ngoại chỉ cười hi ha vạch vú cho con bú, không hay đứa trẻ lặng lẽ tật nguyền.
“Đầu thằng nhỏ u có chút xíu, ai biết đâu…”
Sau này kể lại, bà ngoại phân trần, mặt tỉnh như không, như lỗi thuộc về con đường đã làm đầu đứa trẻ tổn thương.
Như lần neo ghe hàng bông dưới bến sông, lúc bà chủ ghe lên xin thùng nước mưa nấu cơm, bà nội hỏi thăm dì có mấy đứa con. Bà ta bấm đốt ngón tay ngờ ngợ, rồi như không chắc bèn hỏi vọng xuống ghe, “Chèo, má đẻ sáu hay bảy đứa? Ờ, sáu, đủ hết gái trai”.
“Trời, con cái mà dì không nhớ? Rồi tụi nó đâu?”
“Té sông theo Hà Bá bộn. Có đứa té lúc mới biết bò, có đứa thì mấy tuổi. Tụi nó ra đầu ghe ngồi hớt bọt nước, tàu đò chạy ngang dạt sóng lắc ghe, vậy là ngã ngửa ra”.
“Trời, sao không nhảy xuống vớt nó lên?”
“Thì nghe cái tủm, day qua thấy mất tiêu, biết đâu mà vớt”.
Bẻ sóng dừa ngoáy tai lim dim, người đàn bà cười. Đứa duy nhất sống sót bưng rổ cá chốt từ trong mui ghe bước ra. Giây phút đó, bà nội kể, ngay lập tức nghĩ sẽ mang đứa nhỏ mặt buồn kia lên bờ, chỉ để nó thoát khỏi con mẹ trời đánh. Bà hàng bông đòi đổi con lấy nhiều hơn hai trăm giạ lúa thì nội cũng gật đầu ngay, lúc hỏi tên cô gái. Mang họ Nguyễn của mẹ, cô tên Chèo, chỉ vì hôm cô sinh ra ghe đang neo ở Rạch Chèo. Cái tên tùy tiện phơi bày hết tấm lòng nông cạn của bà mẹ.
Chín năm sau, giữa những lần ghé thăm thưa thớt, bà ngoại sinh thêm bé trai tên Quới Bằng. Khỏi hỏi ba thằng nhỏ là ai, chắc đâu trong đám bài bạc. Và khỏi hỏi thì cũng biết thằng nhỏ cất tiếng khóc đầu đời bên một thị trấn ngã ba sông Cháy.
Bỏ cậu Bằng lại, vọt ghe khỏi ngã năm sông Muống chắc bà ngoại khoan khoái bẻ ngón tay. Má nghĩ vậy, rầu rĩ lo tối nay ai ngủ cùng đứa em trong khi thằng con đang dứt sữa. Lúc đi gấp rãi, ngoại không hề dặn chuyện cậu Bằng ăn chay, và bầy cá chốt giấy nổi dày mặt nước dưới bến đã từ khúc sông Gành Trăng theo cậu tới.
Sau này khi thấy rắn hổ hành trong mền ngủ chung với cậu, người đi đâu chó mèo cũng lẽo đẽo theo, người ta mới nhớ đêm đầu tiên cậu Bằng ngủ trên bờ, trong nhà kiến kéo hàng hàng như vẫn thường đi tìm nguồn nước những ngày nắng rát. Chuột kêu trên máng xối cả đêm làm cả nhà không ngủ nổi. Vách bếp có mười ba con bướm đen đốm vàng đậu thành hàng.
Chắc là đêm đó má đậu thai em. Người ta đồn đãi vậy, trong lúc tìm lại đầu dây mối nhợ ràng buộc giữa hai đứa trẻ tha thẩn chơi ngoài sân, quơ sào móc hoàng thổ chín cây ăn. Thứ trái đó chỉ cần chạm đất sẽ bở ra ngay, nên em thường căng vạt áo hứng. Những đứa trẻ bình thường cũng làm vậy.
Tụi em chỉ hơi kỳ cục khi một con vịt xiêm nhập bọn, cậu Bằng nói phải đặt cho nó cái tên. Cộc, em gọi vậy vì thấy lúc đói ăn nó không kêu đòi tiếng nào, chỉ quạu quọ mổ vào mắt cá chân bất cứ ai. Sau thêm con Điều sà cánh xáp lại, nó là anh gà tơ chân không xáp lá cà rất ngầu, nhưng cứ tròng cựa sắt vô thì bỏ chạy trối chết, bất kể đối thủ còn trẻ nít chưa mọc lông đuôi. Giống như cậu Bằng ăn chay, con Điều thích không ngó ngàng trùn dế. Bên nhà Nhí thấy gà vịt mà cậu Bằng cũng chơi được nên ôm cho con heo đẹt nhứt bầy, nuôi hoài không lớn.
Theo gót cậu Bằng có thêm con Còi cà nhót. Một bên chân trước của Còi hụt chừng nửa gang tay, coi như ba chân rưỡi. Khóa đuôi đằng sau, em che cho tụi con nít không chạy theo chọc ghẹo bốn sinh linh dặt dẹo phía trước. Tay em cầm những cục đạn đất vo tròn, liệng vào bất cứ đứa nhóc nào ngỗ ngược. Đoàn diễu hành hay bị dồn cục lại, bởi có kẻ tạt bên đường ủi khoai, hay uống nước mương.
Luôn đi sau cùng, em dần hờ hững với những cảm thương người ta vãi theo, “không biết con nhỏ còn mắc nợ cậu nó tới bao lâu nữa, người ta tuổi đó đã gả chồng…”.
Trả cậu hết kiếp này thể nào cũng xong, em nghĩ vậy, khi ông trưởng ấp mang mấy giấy báo vào đại học rao dài đường xóm. Không hỏi tên ai trong số bạn bè được viết trong tờ giấy, em hơi ngạc nhiên bởi sự dửng dưng của mình. Hờ hững như khi ngó những đoàn rước dâu ngang nhà. Cảm thấy xa xỉ với hội hè, đám rước. Cậu Bằng khum những ngón tay chai gầy và muốt xanh đỡ mặt trời chiều trên mắt em cho đỡ chói, rồi kêu:
“Má, cậu đói rồi”.