Dân vận khéo trong xây dựng các công trình giao thông

15/11/2019 - 06:56

BDK.VN - Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông (CTGT), Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các CTGT luôn gặp phải những khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), bởi đây là công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, thời gian hoàn thành công trình, dự án. Công tác bồi thường GPMB được nhận định là rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn với nhiều quy định về thủ tục, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì việc khiếu nại và gây khó khăn của người dân bị ảnh hưởng thu hồi đất diễn ra càng phức tạp hơn.

Đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra mô hình dân vận khéo.

Đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra mô hình dân vận khéo. 

Trước thực trạng đó, năm 2019, Ban QLDA đầu tư xây dựng các CTGT thực hiện 4 dự án trọng điểm, có tính cấp thiết, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Giai đoạn 2 nâng cấp ĐT.883 huyện Châu Thành; dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú; dự án nâng cấp QL.57 liên tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long; tiếp tục thực hiện dự án ĐH.173 liên huyện Châu Thành - Giồng Trôm - Ba Tri.

Hưởng ứng tích cực phong trào thi đua dân vận khéo và Năm Dân vận chính quyền 2019, Ban QLDA đầu tư xây dựng các CTGT đã đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo cấp tỉnh “Chủ động, linh hoạt trong cách làm vì lợi ích của nhân dân trong công tác bồi thường GPMB xây dựng công trình”. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, cùng với việc phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan và địa phương có công trình đi qua, đơn vị đã kịp thời phổ biến thông tin chính xác, đầy đủ về các dự án đến với người dân, tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ dân để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, quy mô công trình; các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến các dự án.

Đơn vị còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ bàn “Giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm” nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tiếp xúc vận động nhân dân của các cán bộ trực tiếp giám sát công trình trên tinh thần “gần dân, sát dân”.

Sau khi thực hiện mô hình, đến nay, tiến độ các công trình đều được đẩy nhanh hơn so với năm 2018. Cụ thể, có ¾ dự án đã hoàn thành tiến độ từ 70% trở lên, 1 dự án đang trong giai đoạn đo đạc bước đầu. Trong đó, dự án ĐH.173 đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, ước đạt 90%; dự án xây dựng đê bao ngăn mặn đạt tiến độ 80% công tác GPMB; dự án nâng cấp QL.57 đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, ước đạt 70% chỉ sau 9 tháng triển khai. Điều đáng ghi nhận là qua triển khai các công trình, dự án chưa có trường hợp nào phải thực hiện cưỡng chế hoặc khiếu nại đông người, vượt cấp.

Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra kết quả thực hiên mô hình ngày 14-11-2019, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Phương đánh giá cao việc một đơn vị sự nghiệp công lập đã xem trọng công tác dân vận chính quyền và mạnh dạn chọn vấn đề khó, phức tạp để thực hiện mô hình dân vận khéo.

"Để mô hình này được duy trì và nâng chất, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện đúng quy trình dân chủ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhân dân để đề xuất giải quyết thỏa đáng, hợp lý lợi ích của người dân trong công tác GPMB xây dựng công trình" - đồng chí Nguyễn Thanh Phương đề nghị.

Bài, ảnh: Nguyễn Diễm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN