Danh y Nguyễn Đình Chiểu

19/01/2022 - 18:44

BDK - Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời, sự nghiệp cao minh, lỗi lạc, trụ vững trên thế chân kiềng: thơ ca, thầy dạy học, thầy thuốc. Nước ta và thế giới đang bị cơn bùng phát đại dịch Covid-19 hoành hành, đầy bất trắc. Bằng tấm lòng và ánh sáng thiện lương soi rọi, chúng ta nhớ, đọc, tìm về Nguyễn Đình Chiểu - bậc danh y - để vơi nỗi niềm hiện tại, rộng mở nghĩ suy, hành động, quyết hướng đến một ngày mai trời lại sáng. Âm đức của người thầy thuốc - bậc danh y Nguyễn Đình Chiểu là sáng ngời “tồn tâm tế thế”, cao cả, thiêng liêng.

Tranh bìa: Trích từ “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”, do họa sĩ Lê Đức Trạch minh họa năm 1899.

Tranh bìa: Trích từ “Lục Vân Tiên cổ tích truyện”, do họa sĩ Lê Đức Trạch minh họa năm 1899.

Hãy tiên phong đọc bài “Làm thuốc” khẳng khái, dấn thân của cụ: “Trời đông sùi sụt gió mưa tây/ Đau ốm lòng dân cậy có thầy/ Phương cũ vua tôi gìn trước mắt/ Mạng nay già trẻ gởi trong tay/ Trận đồ tám quẻ còn noi dấu/ Binh pháp năm mùi sẵn cỏ cây/ Hỡi bạn y lâm! ai muốn hỏi/ Đò xưa, bến cũ, có ta đây”. (Bài thơ do Phan Văn Hùm, chép theo Nguyễn Đình Chiêm là con trai Nguyễn Đình Chiểu).

Thương nước, thương dân, người phát tiết thành thơ ca, huấn dạy học trò, làm thuốc cứu người. Cái y đức thương người như thể thương thân, cứu người cả tinh thần và thể xác: “Nguyện làm một kẻ y sanh/ Lấy câu âm đức đổi danh lão chài”.

Chớ nên là ông lang… thang vớ vẩn, dốt mà luôn miệng khoe tài, cố vơ vét cho đầy túi tham: “Tham lam là thói con buôn/ Chưa làm vượt pháp, luông tuồng hại nhân/ Huống chi thầy cứu bệnh dân/ Sao dành tham của lột trần người ta/ Đời kêu ăn cướp gian tà/ Ai dè thầy thuốc quá cha giặc mà”.

Một trong những tác phẩm lớn được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khi về ở Ba Tri chính là Ngư tiều y thuật vấn đáp. Tác phẩm gần cuối đời của một danh y bút pháp già dặn, chứa chan niềm tâm sự sâu lắng trong hoàn cảnh đất nước bị “dưa chia, khăn xé” Nguyễn Đình Chiểu muốn “Hỡi bạn y lâm! ai muốn hỏi” và “Đau ốm lòng dân, cậy có thầy”. Nguyễn Đình Chiểu tận trung với nước, tận hiếu với dân, với người cùng thời và mãi mãi.

Ai cũng biết, Nguyễn Đình Chiểu bỏ khoa thi năm Kỷ Dậu, rời kinh thành Huế về Gia Định cư tang mẹ (1848). Sương lam chướng khí, lòng hiếu nhân đưa khiến ông khóc - khóc đến nỗi “Ôi thôi! con mắt đã mang lấy sầu”. Khi lâm bệnh, Nguyễn Đình Chiểu trọ tại nhà ông thầy thuốc vốn dòng ngự y tên Trung để chữa bệnh. Vừa trị bệnh vừa tâm đắc học nghề thầy thuốc, làm học trò từ cội nguồn, sư tổ Đông y là Kỳ Hoàng, Linh Khu, Tố Vấn, Nạn Kinh. Như Hải Thượng Lãn Ông: Dụng dược như dụng binh/ Sinh sát quan đầu hệ phủ kinh… thực hành đạo tế sinh hoạt mạng. Phải chăng vì vậy mà ngoài Ngư tiều y thuật vấn đáp, những năm cuối đời, danh y Nguyễn Đình Chiểu còn truyền lại cho con cháu đời sau các tài liệu, sách, bản thảo và bài thuốc “bí truyền”.

Ông Đốc phủ Sứ Thái Hữu Võ, người Ba Tri thường lui tới nhà cụ Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Mà sự đi khỏi của ông Đồ cũng thường lắm, vì ông làm thuốc rất có danh, thiếu gì thân chủ người mời kẻ rước”. Còn lương y Đỗ Thuần Phong trong quyển “Những bí quyết của các nhà đạo”, xuất bản năm 1956, đã viết: Nguyễn Đình Chiểu “Đi khắp các tỉnh miền Nam, ai ai cũng đón rước cụ xem mạch, bốc thuốc, nhất là các bệnh nguy hiểm mà các ông lang đều chạy cả, đến cụ chữa thì rất nhiều bệnh lành. Những bài thuốc cụ chữa như thế rất mãnh liệt, các ông lang không thể dám dùng đến, thế mới biết cái kiến thức của cụ siêu thoát hơn người”.

Sự học về y lý, y thuật của Nguyễn Đình Chiểu thật đến nơi đến chốn cao dày: “Học cho tột lẽ bệnh tình bách gia/…/ Học cho thấy đạo thì lòng mới an/…/ Sách y lắm chỗ kín sâu/ Trước sau trọn đạo phải âu học thầy/ Muốn nên tài đức vượt bầy/ Xưa nay ai có bỏ thầy mà nên”.

Chọn y lâm phải lấy y đức làm đầu (hay âm đức, âm chất, âm công). Dù y lý, y thuật tài ba, lỗi lạc mà thiếu hoặc không đề cao, xem trọng y đức thì sao cứu người, cứu đời, “Lương y như từ mẫu” được. “Tiểu rằng: muốn học làm người/ Đã đi cầu đạo sợ cười chê chi/ Chưa hay trước cõi rừng y/ Có truông âm chất, việc gì kể ra”.

Y sĩ Đông Pháp Ngô Quang Lý viết đăng trên Nam Kỳ tuần báo, số đặc biệt, ra ngày 26-6-1943: “Tôi lấy làm vui sướng khi nhận xét cái y thuật của Nguyễn Đình Chiểu. Cái mà danh không màng, lợi không ham: Nước trong rửa ruột sạch trơn/ Một câu danh lợi chi sờn lòng đây - thì chữ “lợi” không sao vẩn đục được cái tinh khiết của y khoa… Tiên sinh đã chẳng lấy môn đó làm kế sinh nhai, tiên sinh cho cái nghệ thuật đó nó sạch thơm khôn xiết, trong y thuật tiên sinh bao giờ cũng lấy âm đức làm đầu”. Danh y Nguyễn Đình Chiểu đinh ninh một lòng vì đạo, tận tụy với nghề, tận tâm với người bệnh. Cái đạo, tâm ấy được nảy nở từ thiện căn mà cuộc đời 40 năm mù lòa là bài học bằng máu và nước mắt chính bản thân cụ: “Sao cho âm đức dài trôi/ Khỏi vòng nhân quả rạng dồi thân sau/ Nhớ câu thiện ác đáo đầu/ Phước đền họa trả đâu đâu không trời”.

Đọc Ngư tiều y thuật vấn đáp càng thấy rạng ngời, minh chiếu đức danh y: “Môn rằng: Âm chất không ngăn/ Việc làm lành ấy há ngăn người nào/…/ Nhớ câu “y tích tâm công”/ Ta nên chứa phước để dùng lâu thay/ Hỡi ai có bụng như vầy/ Đạo y càng sáng, tiếng thầy nào hư”.

Lúc Tây y chưa phổ biến, truyền lan các vị thầy thuốc Nam y, Bắc y chú trọng hàng đầu là phương trị bệnh. Nguyễn Đình Chiểu đâu học y học “Thái Tây” mà chính cụ là người đề cao, giảng rao đúng bài, đúng bản về phương phòng bệnh khoa “bảo dưỡng” cho con người, cho con bệnh: “Ta nghe thánh trước bảo răn/ Đau hay cầu thuốc, chi bằng ngừa đau/ Biết ngừa trước khỏi bệnh đau/ Máu hơi đầy đủ, tuổi đầu sống dai”.

Đúng Kinh Tố Vấn dạy: “Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị dị bệnh - nghĩa: Thánh nhân không chữa khi đã bệnh, mà chữa từ khi chưa bệnh”. Đó là việc ngừa bệnh hơn trị bệnh:  “Người xưa ăn ở thật thà/ Ít ai đắm rượu tham hoa quên mình/ Vốn không làm quấy nhọc hình/ Nào là mắc bệnh thất tình lục dâm/ Thiên niên hai chữ trọn cầm/ Vừa chừng trăm tuổi mới trầm về quê./…/ Người nay ăn ở khác bề/ Rượu dầm trong bụng, sắc kề bên thân/ No say rồi lửa dục lừng/ Đốt trong khí huyết tinh thần còn chi/ Chịu đau lấy chứng nan y/ Bốn năm mươi tuổi chết đi uổng đời”.

Danh y Nguyễn Đình Chiểu chỉ ra cách phòng ngừa bệnh nan y, những bệnh ít được hiểu biết, của thời bấy giờ như bệnh lao, bệnh hoa liễu; kể cả việc đỡ đẻ sai lầm, chưa đúng của những bà mụ.

Chúng ta rất tâm đắc với Y sĩ Đông Pháp Ngô Quang Lý: “Nguyễn Đình Chiểu là người thứ nhất trong văn giới Việt Nam, đã lấy dây liên lạc đem nối chặt khoa học với văn chương. Đem cái văn giản dị, thông thường, đem lời thơ du dương dễ cảm mà diễn giải những ý tưởng về khoa học mà nhất là y học, tôi cho không phải là việc dễ. Ta nên nhận xét chỗ đó mà biết cái tài, cái công của tác giả”.

(Bài viết chủ yếu dựa vào tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp, do Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích. Nhượng Tống Tăng Bình bổ chú - Nhà xuất bản Tân Việt in 1952).

Minh Trấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN