Đào tạo nghề cho người khuyết tật

18/04/2014 - 07:38

Học viên nhận thêu gia công tại Trung tâm.

Trung tâm Dạy nghề dành cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh được thành lập từ năm 2012, do Câu lạc bộ Zonta Osaka II (của Nhật Bản tài trợ khoảng 1 tỷ đồng) đã chính thức đi vào hoạt động với 3 lớp đào tạo đầu khóa dành cho người khuyết tật như may công nghiệp, thêu và tin học, thu hút 52 học viên tham gia. Khóa học bước đầu đã tạo được công ăn việc làm để người khuyết tật có thu nhập, dù đầu ra còn khá khiêm tốn…

Cô Võ Thị Điệp - người có hơn 22 năm gắn bó với Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật và mồ côi tỉnh, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm ra đời là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp và nhà hảo tâm trong việc đào tạo nghề cho các em khuyết tật, để các em có thể nuôi sống mình sau này, giảm áp lực cho gia đình. Mấy năm về trước, thường học văn hóa xong là các em về với gia đình, trong khi đó, trình độ văn hóa của nhiều em còn hạn chế. Ngoài 3 lớp đào tạo chính, các lớp như mỹ nghệ, làm đũa, làm ca cao cũng góp phần tạo công ăn việc làm, có thu nhập cho rất nhiều em khuyết tật. Hiện cơ sở vật chất của Trung tâm được trang bị khá đầy đủ, trong phương hướng tới cũng sẽ mở rộng với qui mô lớn hơn. Dù lớp đầu khóa chưa thu hút được nhiều học viên, với lại là người khuyết tật nên khả năng tiếp thu tay nghề còn hạn chế, chậm hơn, nhưng đầu ra của các lớp nghề, đặc biệt là lớp may công nghiệp có nhiều tín hiệu khả quan; đã có 5 học viên từ khóa đầu đã tìm việc làm ổn định ở một số công ty may trong và ngoài tỉnh với mức lương hậu hĩnh.

Các lớp thêu, làm đũa, mỹ nghệ cũng không kém phần hấp dẫn và cũng là lớp nghề tạo công ăn việc làm khá phù hợp với người khuyết tật. Cô Điệp cho biết, sản phẩm của các lớp này để xuất khẩu là chính và rất ổn định, bởi sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác. Ngoài ra, Trung tâm còn nhận thêu gia công cho các cơ sở thêu tranh trong và ngoài tỉnh để các em có thu nhập ổn định hơn. Trung bình một bức tranh thêu hoàn chỉnh có giá từ 120.000-550.000 đồng. Làm đũa, mỹ nghệ cũng cho thu nhập không kém, đũa cao cấp xuất khẩu giá từ 50.000 đồng/chục, thấp nhất cũng 10.000 đồng/chục. Tổ sản xuất lên men ca cao hiện có 2 học viên tham gia, thu nhập của mỗi học viên từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. “Nếu tính từ lúc thành lập trường (năm 1994) đến nay, nhà trường đã có nhiều em học sinh thành đạt, có gia đình hạnh phúc, như: em Đỗ Tấn Khang - hiện là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, em Trần Thị Thủy - hiện là giảng viên chính của trường. Riêng về các lớp nghề, trước đây nhà trường chủ yếu tự liên hệ rồi đào tạo theo nhu cầu của các em, ấy vậy mà cũng có nhiều em về với gia đình và tự tạo, tự tìm cho mình một việc làm khá ổn định. Với việc ra đời Trung tâm dạy nghề này, hy vọng sau này sẽ có nhiều em học sinh của trường có việc làm sau khi ra trường” - cô Điệp tâm sự.

Hiện Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật và mồ côi tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới khá khang trang với đầy đủ các phòng chức năng, nhà lưu trú trên diện tích khoảng 7.000m2, dành cho 195 em là những học sinh khuyết tật. Cô Điệp cho biết thêm, ngày đầu thành lập, trường còn thiếu thốn rất nhiều, các giáo viên chủ yếu có tâm huyết, yêu nghề chứ không có chuyên môn về tật học. Bây giờ thì cán bộ, giáo viên đã đầy đủ, có chuyên môn, nghiệp vụ cao. Cùng với sự ra đời của Trung tâm Dạy nghề, tin tưởng rằng việc chăm lo cho người khuyết tật của tỉnh sẽ ngày càng chu đáo hơn, đầy đủ hơn.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN