Đặt tên cho 5 công viên

12/08/2016 - 06:46

Dụng cụ hỗ trợ tập thể dục được lắp tại công viên Đồng Khởi giúp người dân rèn luyện sức khỏe.

Lần đầu tiên, các công viên trên địa bàn TP. Bến Tre có tên chính thức, gồm công viên: Trần Văn Ơn, Đồng Khởi, Hoàng Lam, Mỹ Hóa và Cái Cối.

Theo UBND TP. Bến Tre, việc đặt tên cho các công viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tên gọi của các công viên được đặt theo cách gọi quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của đa số người dân TP. Bến Tre.

Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, Công viên Đồng Khởi nằm trên địa bàn Phường 4, có diện tích 13.756,2m2, phía Đông giáp đường Trần Quốc Tuấn, Bắc và Nam giáp đại lộ Đồng Khởi, Tây giáp đường 30-4. Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và một số nước trên thế giới biết đến. Đây được xem là một sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phong trào Đồng khởi là sự kiện lịch sử gắn liền với quê hương Bến Tre, do đó phương án đặt tên Công viên Đồng Khởi là phù hợp. Hiện Công viên Đồng Khởi đã được lắp các dụng cụ hỗ trợ tập thể dục để phục vụ nhu cầu người dân, trong đó có 3 dụng cụ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động xã hội hóa kinh phí và 5 dụng cụ vừa mới lắp từ nguồn ngân sách thành phố. Được biết, sắp tới thành phố sẽ lắp thêm nhiều dụng cụ hỗ trợ tập thể dục cho các công viên còn lại bằng nguồn ngân sách thành phố. Chị Nguyễn Thị Hồng Châu, nhà ở Phường 4 (TP. Bến Tre) vừa xoay người tập vừa nói: “Mình và ông xã thường xuyên đi bộ ở công viên này. Buổi sáng có nhiều người đến đây tập thể dục, mình quan sát thấy họ tỏ vẻ thích thú với các dụng cụ hỗ trợ tập thể dục mới này. Mình cũng thích lắm, vì nó giúp thư giãn rất tốt”.

Các công viên mang tên hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Lam và Trần Văn Ơn nhắc nhớ, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về công lao của hai liệt sĩ với quê hương Bến Tre, đất nước. Hoàng Lam tên thật là Phan Bình Trung, con út trong một gia đình nông dân ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm. Ông thoát ly gia đình, làm chiến sĩ giao liên. Năm 1962, Hoàng Lam được chọn đi học lớp đào tạo chiến sĩ đặc công. Do có tài bơi lội giỏi từ nhỏ, Hoàng Lam tình nguyện chọn “mặt trận dưới nước”. Chỉ trong vòng 6 năm, ông tham gia đánh hàng chục trận, nhận chìm nhiều tàu địch trên các dòng sông ở Bến Tre. Nhưng vang dội nhất vẫn là trận đánh chìm chiến hạm sửa chữa cơ động của hải quân Mỹ nơi vàm Bến Tre và trận tập kích “căn cứ nổi” của Mỹ trên sông Hàm Luông. Hoàng Lam đã hy sinh trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1994.

Ngày 9-1-1950, ở Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn học sinh kéo đến dinh của Thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu, đòi phải thả ngay các học sinh, sinh viên bị bắt. Trần Văn Ơn là một thành viên trong Ban lãnh đạo sinh viên, học sinh trong cuộc đấu tranh này. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp tàn nhẫn. Người thanh niên tên Trần Văn Ơn, quê xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành bị trúng đạn trong lúc cùng một người bạn khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu - học sinh Trường Gia Long (bị cảnh sát ngụy đánh ngất). Cùng ngày, Trần Văn Ơn mất. Từ năm 1993 đến nay, ngày mất của anh đã trở thành Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Cái Cối là địa danh quen thuộc của nhân dân xã Mỹ Thạnh An nói riêng và TP. Bến Tre nói chung. Địa danh Cái Cối đã có từ lâu đời, đây là tên gọi của con rạch nằm bên phía tả ngạn chảy ra sông Bến Tre. Tên gọi này xuất phát từ việc nhiều thợ làm nghề đóng cối xay lúa bằng tre tập trung bên bờ rạch và hình thành nên một xóm thợ làm nghề thủ công phục vụ cho việc xay giã gạo. Từ đó, con rạch này mang tên Cái Cối. Việc đặt tên Công viên Cái Cối nhằm lưu giữ lại những địa danh cũ cho các thế hệ mai sau biết và thêm yêu mảnh đất cù lao với những con người cần cù trong lao động đã làm nên địa danh Cái Cối.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN