Đất và người sinh ra từ làng

22/09/2018 - 09:36

(Đọc sách khảo cứu Làng Thừa Đức xưa của tác giả Huy Khanh Nguyễn Văn Châu)

Tư bề Thừa Đức nội thôn

Đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng.

Tôi có kỷ niệm với Thừa Đức bằng những quả dưa hấu của bạn tặng vói theo xe. Đúng ra là những địa danh của xã ven biển thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre này đã thu hút tôi về đây để xem địa danh ở ngoài có giống ở trong … thơ không?

Hôm nay, cũng Thừa Đức, cũng cuốn hút. Tôi đọc một mạch sách khảo cứu “Làng Thừa Đức xưa” của tác giả Huy Khanh Nguyễn Văn Châu như muốn đi Cống Bể để xem cái “cống” nó “bể” ra sao vậy. Hóa ra quà bạn tặng là đặc sản của nghề truyền thống lâu đời nhất của cư dân Thừa Đức: Trồng dưa hấu với “dưa Cửa Đại” nổi tiếng.

Tác giả Huy Khanh Nguyễn Văn Châu

Huy Khanh Nguyễn Văn Châu tên thật là Ma Văn Châu, sinh năm 1928, quê quán xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Nếu nhà văn Sơn Nam được xem như “Nhà Nam bộ học” thì ông Nguyễn Văn Châu xứng đáng với danh hiệu “Nhà Bến Tre học”. Sinh thời, dù bận rộn với công việc một Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy nhưng ông vẫn dành thời gian cho các công trình nghiên cứu về đất và con người Bến Tre.

Nổi bật nhất có lẽ là tham luận đọc tại “Hội thảo khoa học về địa chí văn hoá Bến Tre” năm 1985 về nhân vật Phan Thanh Giản đã gây tiếng vang trong giới học thuật.

Tập sách khảo cứu “Làng Thừa Đức xưa” là mạch tiếp nối những nghiên cứu về “Đất cù lao” của ông trước đây đã được độc giả biết đến. Theo tôi, từng trang viết của ông Nguyễn Văn Châu một phần là trách nhiệm truyền đạt kiến thức đến hậu thế, một phần là hậu duệ họ Ma của Tiền hiền khai khẩn, một phần là tình cảm dành cho nơi chôn nhau cắt rốn, ông viết:

“Ông cha dựng làng, mở đất, con cháu giữ làng, cứu nước, trọn lòng trung với nước, hiếu với dân, để lại tiếng tốt trong dân làng. Ấy là điều vinh dự cho một bộ phận dòng họ đầu tiên đến khai cơ dựng nghiệp ở làng Thừa Đức. Đó cũng là niềm tự hào của tác giả - người viết nên những trang thực lục về làng xóm và dòng họ của mình”.

Làng Thừa Đức có từ bao giờ?

Cái tên Thừa Đức chính thức có trên giấy tờ, sách vở từ cuối thế kỷ XX, khi người Pháp thiết lập chính quyền thuộc địa họ thành lập làng Thừa Đức thuộc tổng Hoà Thinh, quận An Hoá, tỉnh Mỹ Tho.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Châu, thực tế làng Thừa Đức có trước đó khoảng 2 thế kỷ. Với bằng chứng là sắc thần ở đình làng Thừa Đức cho biết làng được phong thần năm 1845 (đời vua Thiệu Trị năm thứ 4) cũng như tìm hiểu các thôn lân cận trong tên có chữ “Đức” trong sách Gia Định thành thông chí, tác giả cho rằng phải chăng đã có sự nhầm lẫn giữa Vĩnh Đức Hoà Thôn và Thừa Đức thôn (?). Chữ Hán chữ Vĩnh viết gần giống chữ Thừa. Một chi tiết đáng lưu ý và đáng tin bởi những văn bản ta đọc được sau này được dựa vào những bản chép tay hoặc trong bản khắc gỗ cũ.

Cuối cùng, tác giả kết luận:”Theo tôi làng Thừa Đức có thể được hình thành từ nửa đến cuối thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ XIX (đời Gia Long) nó có thể là một thôn mới lập mà nguồn gốc từ một ấp nhỏ trước đó phát triển lên. Đến gần giữa thế kỷ XIX (qua các đời Minh Mạng, Thiệu Trị) làng đã có đông dân đinh, có địa bộ, có đình và được nhà vua công nhận, cấp sắc phong thần cho đình làng”.

Truyền thuyết và hiện thực về thời khẩn hoang lập ấp

Xuống sông sợ sấu cắn chân

Bụi lùm sợ rắn, vào rừng cọp ăn.

Câu ca dao này không chỉ phù hợp với làng Thừa Đức về thời kỳ đầu khẩn hoang lập ấp mà còn phản ánh được thực tế gian khổ đầy mồ hôi, máu và nước mắt của nhiều thế hệ lưu dân cả vùng đất Nam bộ.

Đọc “Làng Thừa Đức xưa” ta cũng bắt gặp chuyện cọp, chuyện rắn, chuyện dân làng đánh cướp... theo mô típ kể chuyện xưa. Tuy nhiên, ngoài những giai thoại do người xưa kể lại, có những câu chuyện do chính tác giả chứng kiến hoặc những nhân vật trong câu chuyện là người bà con trong gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, làng Thừa Đức có truyền tụng mẩu chuyện về cọp, tôi đọc thấy lạ, chép ra đây hầu độc giả:

“Có 3 cha con nhà kia dùng ghe biển lớn đi ra miền ngoài mua bán. Một ông già râu tóc bạc phơ xin quá giang về Huế. Chủ ghe ưng thuận và rất hậu đãi. Ghe đi vài ngày, ông già không có việc gì làm, chỉ mỗi việc hàng ngày dùng mũi dao khắc xuống sạp hình một con cọp thật giống. Khi ông giã từ lên bờ ra đi, người con trai ông chủ ghe thấy hình cọp rất đẹp nên lấy ngón tay đồ theo nét vẽ coi như một cách giải buồn. Không ngờ khi đồ đến vuốt cọp thì tay xóc phải dầm gỗ chảy máu. Máu ra cầm không được, cuối cùng phải chết. Sau ông già tìm gặp chủ ghe cho biết mình là Hổ lang sơn quân, quá già nên giang ghe về núi tu hành. Con ông chủ ghe có số bị cọp ăn nhưng ông không nỡ, cuối cùng cũng phải chết vì số trời đã định, không cách nào cứu được. Sau đó ông già bỏ đi biệt tích”.

Qua câu chuyện, có thể thấy người dân thời mở cõi ngoài tin vào sức mình, sức cộng đồng họ còn tin vào những thế lực siêu nhiên, huyền bí ít nhiều đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong quá trình định cư lập nghiệp.

Có một chi tiết khá thú vị, trước năm Thìn bão lụt (1904) ở làng Thừa Đức không có người làm Trùm cả hoặc Hương cả. Chức này dành riêng cho chúa cọp.

Những địa danh đi vào thơ ca

Tôi có quen một bạn viết quê ở Bình Đại, đặc biệt anh có thời gian khoảng 10 năm dạy học ở Thừa Đức. Anh làm thơ hay, tôi mê những địa danh Giồng Cà, Thừa Tiên, Cống Bể... từ thơ anh.

Ráng đi đến Đụt Giồng Cà

Đứng bên Cống Bể ngó qua bên cồn
Tháng ba trời thổi gió nồm
Đừng ra sát bến sóng chồm ướt, em!

Tôi viết bài thơ này để lưu kỷ niệm cùng anh đi “thực tế sáng tác” ở Thừa Đức. Tiếc rằng hôm đó chưa đọc qua “Làng Thừa Đức xưa” của Nguyễn Văn Châu để biết thêm rằng ngoài Thừa Tiên còn 7 cái ... Thừa nữa: Trung, Thạnh, Tiên, Long, Bình, Thuận, Hoà và Lợi. Theo tôi, những tên này “đưa” vào thơ đều hay!

Làng quê biển anh hùng

Trong sách “Làng Thừa Đức xưa” có một chương viết thời kỳ “Làng Thừa Đức từ khi có Đảng và trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Chỉ khoảng 7 trang sách, bằng một lối hành văn giản dị, diễn đạt khúc chiết, không nặng về số liệu, tác giả nêu bật được nhân vật và sự kiện quan trọng.

Từ một cậu bé ngây thơ hỏi:”Chú Bảy ơi, cộng sản là cái gì? Tại sao có cộng sản dậy?” đến khi trở thành Đảng viên đầu tiên của làng Thừa Đức là những câu chuyện kể sinh động.

Có hai chi tiết tôi mới biết qua khi đọc chương này, tôi muốn kể với các bạn:

Thứ nhất, ở đất cồn Thừa Đức có giống dưa hấu vỏ đen, hột đen, ruột đỏ tươi được dân chưng tết, cúng ông bà và đãi khách gọi là dưa “pháo đài”. Tương truyền giống dưa này ở xóm “Pháo đài”, nơi đó ngày xưa tướng quân Trương Định dựng lên pháo đài phòng ngự quân Pháp từ phía sông cửa Đại. Các cụ già ở làng Thừa Đức gọi các nghĩa quân chống Pháp là “đàng cựu”, gọi những anh hùng như Thủ khoa Huân, Trương Định là những người “sinh vi tướng, tử vi thần” và chỉ chưng dưa “pháo đài”, kiêng để dưa Tây trên bàn thờ.

Thứ hai, Làng Thừa Đức từ sau Đồng Khởi 1960 là căn cứ địa của huyện Bình Đại, hậu cần của Khu 8 và cũng là nơi có nghĩa trang liệt sĩ sớm nhất với quy mô lớn nhất cả tỉnh.

Lời kết

Khi hoàn thành quyển sách này vào năm 1991, có lẽ tác giả Huy Khanh Nguyễn Văn Châu không nghĩ rằng một cái làng không có chợ như làng Thừa Đức hiện nay lại là một địa điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh.

Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ nhưng những ký ức “sinh ra từ làng”, nhất là một làng lâu đời, giàu truyền thống như Thừa Đức sẽ khó phai mờ trong ký ức nhiều thế hệ đi qua.

Xin mượn lời của ông Nguyễn Quang Trị, chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh Bến Tre làm lời kết của bài viết:

“Điều chắc chắn rằng, mai sau con cháu trên vùng này (hay các nhà nghiên cứu, sử học) lại phải bổ sung vào “Làng Thừa Đức xưa” một chi tiết: Nơi đây đã sinh ra một người con ưu tú, mang tên Nguyễn Văn Châu - một nhà chính trị tầm cỡ - một học giả uyên thâm, lão thông kim cổ - một nhà báo - nhà văn - nhà thơ yêu nước, cách mạng đậy tài năng và nhiệt huyết!”.

Nguyễn Võ Khang Hạ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Nguyễn văn Ơn Cách đây 19 năm

    Tôi là đưa con của làng Thứa Đức, đang sống xa quê hương. TÔi vô cùng xúc động khi đọc bài viết về làng quê yêu dấu của tôi. Tác giả là Chú Hai Châu (Mã văn Châu) , tôi gọi bằng Chú , theo vai vế trong gia đình.bên Bà NỘi của tôi. <br /> Nguyễn văn BOn