Dấu ấn 25 năm tuổi xuân tình nguyện

29/07/2024 - 16:57

BDK.VN - Ngày 29-7-2024, tại huyện Thạnh Phú, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tỉnh năm 2024 tổ chức tọa đàm “Dấu ấn 25 năm - Tuổi xuân tình nguyện”. Buổi tọa đàm được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố…

Phát biểu của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tại buổi tọa đàm. 

Tham dự, có nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Ngữ - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, thầy Võ Tấn Thông - nguyênTrưởng phòng công tác Chính trị và Sinh viên, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Tại buổi tọa đàm, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Võ Tuấn Thông cho rằng, từ năm 2000 được chọn là “Năm Thanh niên Việt Nam”, đánh dấu sự ra đời của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Đây là năm của sự tình nguyện, cống hiến sức trẻ và lý tưởng cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Nhất là sau phát động của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 6 khóa VII, phong trào Thanh niên tình nguyện đã chính thức bắt đầu từ Chiến dịch “Mùa hè học sinh - sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” đến Chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh” và “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè” đã thu hút hàng vạn học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động tình nguyện.

Tại tỉnh, Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” đã được triển khai suốt 25 năm qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nhiều câu chuyện đẹp, những kỷ niệm khó có thể phai mờ trong tâm trí những người lãnh đạo, chỉ huy, những gia đình nuôi quân và mỗi chiến sĩ đã từng tham gia, đã trở thành một phần ký ức tươi đẹp nhất của một thời thanh niên đầy nhiệt huyết, sôi nổi, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa. Chiến dịch ngày càng mở rộng cả về số lượng và chất lượng.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm.

Tính đến nay, đã thu hút gần 57.000 chiến sĩ tình nguyện từ 315 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, cùng sự tham gia của 600 sinh viên quốc tế từ nhiều nước. Thanh niên tình nguyện đã xây dựng và sửa chữa 4.098 căn nhà cho gia đình chính sách và người nghèo với tổng kinh phí hơn 61,7 tỷ đồng. Trong đại dịch Covid-19, thanh niên đã thành lập nhiều đội hình phản ứng nhanh, hỗ trợ điều trị, phát động xây dựng nhiều mô hình như: “Tủ bánh mì yêu thương”, “Siêu thị 0 đồng” với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 45 tỷ đồng. Thanh niên đã trồng 930.125 cây xanh, xây dựng và nâng cấp các công trình vệ sinh và thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường. Các hoạt động như “Trữ nước mưa”, “Giọt nước nghĩa tình” và phong trào “Chống rác thải nhựa” đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và đoàn viên, thanh niên.

Chiến dịch đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật và nâng cao ý thức cộng đồng, phổ biến luật giao thông, các luật khác liên quan đến thanh niên. Các hoạt động như: Sân khấu hóa, diễn đàn pháp luật và các chương trình tuyên truyền đã đến tay hơn 4 triệu lượt người dân và thanh niên. Trong 25 năm qua, chiến dịch đã sửa chữa và nâng cấp hơn 4.719km đường giao thông và xây mới 1.042 cầu nông thôn, tổ chức hàng nghìn lớp ôn tập hè, buổi sinh hoạt và xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Hỗ trợ học bổng và học phẩm cho học sinh nghèo với tổng số tiền hơn 20,1 tỷ đồng. Chiến dịch đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn giúp cho thanh niên nâng cao kỹ năng và phát triển sản xuất với số tiền vay vốn lên đến hơn 102 tỷ đồng, đã tổ chức 296 lớp tập huấn cho 15.717 cán bộ, góp phần quan trọng vào sự trưởng thành của thanh niên.

Những kết quả to lớn đó, trước hết do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành tỉnh; sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy, lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh; sự hỗ trợ từ các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ; sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương nơi tiếp nhận quân và tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc của các cô, chú nuôi quân và bà con nhân dân. Đặc biệt, vai trò của Đoàn, Hội, Đội các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong tham mưu, tổ chức các chương trình, hoạt động để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, khát vọng cống hiến của đoàn viên, thanh niên.

Phát biểu của Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như:  Phương pháp hiệu quả để kêu gọi và quản lý nguồn tài chính cho các chiến dịch tình nguyện; các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho tình nguyện viên trong các hoạt động tình nguyện; cách thức đo lường hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của các dự án tình nguyện; chiến lược để thu hút và giữ chân thanh niên tham gia vào các hoạt động tình nguyện; công tác tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và các cấp chính quyền trong các chiến dịch tình nguyện; ứng dụng công nghệ trong quản lý và triển khai các hoạt động tình nguyện; đáp ứng và điều chỉnh các chiến dịch tình nguyện theo thay đổi trong nhu cầu và tâm lý của thanh niên; các kỹ năng và phương pháp quản lý hiệu quả trong tổ chức các hoạt động tình nguyện; tối ưu hóa các hoạt động tình nguyện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tham gia xây dựng nông thôn mới; phương pháp và sáng kiến trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng qua các hoạt động tình nguyện…

Tin, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN