Công tác chăm lo cho người khuyết tật được ngành chức năng thực hiện theo quy định của Nhà nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến đào tạo nghề, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tự lao động và có thu nhập từ chính sức lao động của mình, vượt lên hoàn cảnh, tự tạo dựng tương lai một cách bền vững. Đào tạo nghề phù hợp với khả năng và sau đó là tìm đầu ra cho sản phẩm của người khuyết tật cũng rất quan trọng.

Học viên học làm đũa tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh.
Chọn nghề phù hợp
Tỉnh có 2 nơi đào tạo nghề cho người khuyết tật, một là Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, hai là Trung tâm Dạy nghề của Hội Người mù tỉnh. Tùy theo đặc thù của mỗi nơi và đối tượng, tại các trung tâm có nhiều nghề đã được dạy cho người khuyết tật như: thêu, may, tin học, thủ công mỹ nghệ, sơ chế ca cao, đan giỏ xách nhựa, bó chổi, làm nhang, làm tăm, mát-xa, đàn organ… Các nghề được đào tạo đã giúp cho nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh tự lực vươn lên trong cuộc sống.
Việc chọn nghề phù hợp để đào tạo cho từng đối tượng người khuyết tật có sự thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào thị trường cũng như dạng khuyết tật. Đến thăm xưởng sản xuất của Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh, nhiều bàn máy may và thiết bị chịu cảnh phủ bụi do hiện nay trung tâm không có học viên thích hợp để theo học nghề may. Những chiếc máy may này từng một thời tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật các dạng nghe - nói, nhìn.
Cô Võ Thị Điệp - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật cho biết, những năm gần đây số học viên của Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh có đủ khả năng theo học nghề không nhiều. Nguyên nhân là do tỷ lệ các em chậm phát triển trí tuệ ngày càng nhiều hơn. Với dạng khuyết tật này, việc dạy nghề cần nhiều thời gian hơn và không phải em nào cũng học được. “Các em bị chậm phát triển trí tuệ thường khó tập trung, khó tiếp thu nhưng không phải là không có cách. Thông thường các em sẽ làm tốt 1 khâu nhất định, nên mình sẽ dạy cho các em làm thật tốt một khâu, một vấn đề để các em cũng có nghề”, cô Điệp cho biết thêm. Hiện trung tâm duy trì được 1 lớp thêu, 1 lớp thủ công mỹ nghệ và 1 lớp sơ chế ca cao với 17 học viên thuộc các dạng khuyết tật nghe - nói, bại liệt, chậm phát triển trí tuệ nhẹ. Hầu hết các lớp là vừa dạy nghề, vừa tiêu thụ sản phẩm.
Đối với Hội Người mù tỉnh, việc chọn nghề đào tạo cho hội viên cũng mang tính đặc thù hơn, chủ yếu là các nghề có thao tác đơn giản như đan giỏ xách nhựa, bó chổi, làm tăm, làm đũa. Đang phát triển thời gian vài năm trở lại đây là nghề mát-xa, đánh đàn organ đối với những người có năng khiếu… Nhiều nghề trước đây được dạy cho hội viên nhưng hiện tại không còn phù hợp do sản phẩm không có đầu ra, không cạnh tranh được trong thị trường…
Người học đã khó, người dạy càng khó hơn vì đòi hỏi kỹ năng giáo dục đặc biệt, sự kiên nhẫn và nhất là tấm lòng. Ở các trung tâm, có nhiều thầy cô đã gắn bó dạy nghề cho người khuyết tật trên 20 năm như cô Võ Thị Điệp, hoặc là chính những học viên khuyết tật đã trưởng thành từ tấm lòng thiện nguyện, yêu thương của trung tâm, nay thành đạt thì quay trở lại trường để dạy nghề cho các học viên mới. Ông Lê Văn Năm - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, ngoài các thầy cô được mời về đứng lớp dạy nghề cho hội viên thì đa phần là các học viên cũ đã có nghề sẽ hỗ trợ dạy lại cho các học viên mới. Bằng kinh nghiệm và sự đồng cảm, khi họ “cầm tay chỉ việc” thì giúp cho các học viên mới thêm tự tin hơn, dễ học hơn.

Dạy nghề thêu ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh.
Đầu ra cho sản phẩm
Ông Lê Văn Năm cho biết, sau khi đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho các hội viên, một số huyện hội hỗ trợ hội viên có việc làm sau đào tạo bằng cách mua vật tư rồi phân phối cho các hội viên mang về nhà làm, sau đó làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên số lượng đặt hàng cũng không ổn định, khi có nhiều không kịp làm, khi lại tồn đọng hàng. Hoạt động tổ hội nghề nghiệp không hiệu quả do còn bị động về tổ chức, kinh phí, tiêu thụ hàng hóa. Chỉ một số hội viên sau khi được đào tạo có sự nỗ lực vươn lên, có tay nghề giỏi tự bán sản phẩm ở các chợ địa phương và trụ được với nghề. Nhiều trường hợp khác sau khi đào tạo nghề lại không phát triển được, họ quay lại với việc đi bán vé số. “Đi bán vé số tuy có thu nhập ngay trong ngày nhưng với người mù thì phải chịu nhiều rủi ro như bị lừa gạt, cướp giật hay tai nạn trên đường”, ông Lê Văn Năm nói.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ thêu của các học viên khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh một số được thu mua, còn lại được bố trí trưng bày tại một phòng của trung tâm, bán cho khách đến thăm. Riêng sơ chế ca cao thì có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp nên thu nhập ổn định hơn. “Các em ở lớp thủ công mỹ nghệ và sơ chế ca cao thì vừa học việc làm hàng, vừa có thu nhập trên sản phẩm mình làm ra”, cô Điệp cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Mịn - Phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh trăn trở về cách để mang sản phẩm của người khuyết tật ra thị trường nhiều hơn. Chúng tôi cùng nghĩ đến hướng phải làm sao để chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của người khuyết tật. Một không gian phù hợp để tập hợp sản phẩm của người khuyết tật hay là một phương án để liên kết hai trung tâm đào tạo nghề để hoạt động hiệu quả hơn hoặc có thể để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật được giới thiệu nhiều hơn tại các điểm du lịch…
Nhà nước đã có những chính sách để hỗ trợ, trao “cần câu” cho người khuyết tật. Thực tế cho thấy nhiều sản phẩm của người khuyết tật làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém sản phẩm của người sáng. Nếu được tố chức tốt, liên kết có đầu ra tốt sẽ giúp người khuyết tật sống được với nghề đã được đào tạo.
Bài, ảnh: Thanh Đồng