Trao niềm tin cho người khuyết tật

03/10/2018 - 08:27

BDK - Cùng với những chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần, các cấp chú trọng công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật, trao “cần câu” và cả niềm tin để họ có thể tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Vợ chồng anh Võ Văn Trụ cùng nhau bó chổi.

Vợ chồng anh Võ Văn Trụ cùng nhau bó chổi.

Dạy nghề để hòa nhập cộng đồng

Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh thành lập năm 2012 đã từng đào tạo nghề cho nhiều lớp học sinh khuyết tật nghe, nói, nhìn, khuyết tật vận động, giúp họ có công việc, tự mưu sinh bằng chính sức lao động của mình. Bà Võ Thị Điệp - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm có mở các lớp may, vi tính, thêu, thủ công mỹ nghệ và sơ chế ca cao. Hiện tại, trung tâm duy trì được lớp thêu với 10 học viên, lớp thủ công mỹ nghệ với 4 học viên và sơ chế ca cao được 3 học viên. Ngoài dạy nghề, chúng tôi còn tìm được đầu ra cho sản phẩm của các em, để các em vừa học vừa làm có thêm thu nhập”.

Không chỉ đào tạo nghề, những thầy cô còn tìm đến các hoàn cảnh khiếm khuyết, bất hạnh, dùng tình thương để nâng đỡ, tiếp sức. “Đối với các em bệnh down chậm phát triển trí tuệ thì học nghề khó khăn hơn. Mặc dù vậy, các em vẫn có thể học và làm tốt một khâu, một hoạt động nhất định nên mình có thể hướng dẫn các em làm những việc đơn giản phù hợp với khả năng” - bà Võ Thị Điệp chia sẻ. Các anh chị từng là học sinh khuyết tật trước đây đã có nghề thì quay lại dạy nghề ở trung tâm, vừa dạy vừa cùng làm với các học viên mới cũng có thêm thu nhập trong cuộc sống, được chia tiền công theo sản phẩm.

Cùng với mục đích tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, Trung tâm dạy nghề của Hội Người mù tỉnh cũng được lập ra để giúp cho người khiếm thị có thể tự mưu sinh. Ông Lê Văn Năm - Chủ tịch hội cho biết: “Hội Người mù tỉnh hiện có 1.191 hội viên, trong đó, 23% là hội viên nghèo, đa phần là người lớn tuổi, sống phụ thuộc vào gia đình. Hội tổ chức dạy các nghề như bó chổi, đan giỏ nhựa, làm nhang, mát-xa… Đối với các hội viên trong độ tuổi lao động được hội đào tạo nghề thì khoảng 70% là có việc làm sau đào tạo, chủ yếu làm việc tại nhà”.

Vươn lên từ nghị lực

Được quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt trong cuộc sống, có nhiều người khuyết tật đã vượt qua hoàn cảnh, khẳng định bản thân và trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng. Đến các cơ sở, chúng tôi được nghe kể về nhiều tấm gương đầy nghị lực của các hội viên. 

Ông Nguyễn Văn Xem - Chi hội trưởng Chi hội Người mù xã Phước Long, huyện Giồng Trôm được bà con xóm giềng quý mến, nể phục bởi ông không chỉ là một người nhiệt tình, tử tế, sống tình nghĩa với xóm giềng mà ông còn là một người có nghị lực mạnh mẽ. Chị Nguyễn Thị Ân - Cán bộ sáng Hội Người mù huyện cho biết: “Chú Tư Xem bị khiếm thị, chú cùng với người em trai út chăn nuôi dê nhiều năm qua rất hiệu quả, vượt qua khó khăn của bản thân, sống tích cực, ý nghĩa, giúp em mình phát triển kinh tế. Nghị lực của chú Tư luôn là tấm gương để các hội viên khác noi theo. Hàng ngày, em trai đi làm, chú ở nhà cho dê ăn, khách đến mua dê hay chở phân, chú Tư đều có thể tự giao dịch được, thỉnh thoảng nhờ hàng xóm đến xem tiền giùm”.

Ông Tư Xem nói: “Mình tật nguyền vậy, cuộc sống khó khăn nên mình càng phải cần cố gắng. Dù không thấy đường nhưng còn sức khỏe, còn làm được gì dù việc nhỏ nhất cũng phải làm, để mình không phải là gánh nặng của những người xung quanh”.

Gặp anh Võ Văn Trụ ở ấp Bến Bàu, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay anh thoăn thoắt bó cây chổi tàu dừa vừa nhẹ vừa đẹp lại chắc, tôi càng hiểu hơn sức mạnh của nghị lực. Mất đi ánh sáng về mặt thể lý nhưng trong tâm hồn anh Trụ ánh sáng của nghị lực, của niềm tin thì vẫn rực rỡ.

Anh Trụ bắt đầu bệnh mắt từ năm 1997, sau nhiều lần điều trị và 2 lần phẫu thuật, đến năm 2005 thì bắt đầu mù hẳn. “Đôi mắt không chữa trị được nữa, tôi suy sụp lắm, nhưng nghĩ mình buông xuôi thì vợ con sẽ ra sao nên cố gắng làm được việc gì đó để sống. Nhờ sự giúp đỡ của các anh bên hội, tôi được học nghề bó chổi, có thu nhập nuôi con”, anh Trụ nói.

Hai vợ chồng anh Trụ đặt chỉ tiêu một ngày phải bó được 15 cây chổi tàu dừa để đủ hàng giao cho các mối ở chợ Mỹ Chánh. Ngoài ra, với đồng vốn vay do Hội Người mù tỉnh hỗ trợ, anh chị còn nuôi được 4 con bò, trồng thêm dừa, xen 100 gốc mãng cầu xiêm, mua thêm nguyên liệu về bó chổi.

Với sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng, anh Trụ đã vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, xây dựng lại cuộc sống gần như từ vạch xuất phát. Hai đứa con chăm ngoan, học giỏi là đền đáp xứng đáng, niềm tự hào cho anh chị. Con trai lớn sau khi học cơ khí đã có việc làm ở Vũng Tàu, con gái nhỏ hiện là sinh viên năm thứ nhất  Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh ngành Kỹ thuật hóa học.

Chiếc cần câu và niềm tin được trao đúng cách, cùng với chính ý thức nỗ lực, tự vươn lên của bản thân những người khuyết tật sẽ giúp họ vượt qua nghịch cảnh, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp.

Bài, ảnh: T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN