Dấu son Tiểu đoàn 261 - Giron

01/01/2024 - 11:10

BDK.VN - Biết tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 9 đang lưu trữ và trưng bày một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến chiến thắng Ấp Bắc, Tiểu đoàn 261 - Giron nên trung tuần tháng 9-2022, đồng chí Phó chính ủy Quân khu chỉ đạo Ban Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9 chuẩn bị một tấm ảnh thể hiện được ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Ấp Bắc để thông qua Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023) để làm hình nền in trên thư mời và bao bì quà tặng đại biểu dự họp mặt. Theo gợi ý của đồng chí Phó chính ủy Quân khu, Ban giám đốc Bảo tàng đã chọn tấm ảnh Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận Ấp Bắc gửi Ban tổ chức Lễ kỷ niệm và tấm ảnh đã được chọn, bởi đây là một trong những trận đánh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và dư luận trong, ngoài nước đánh giá rất cao.

Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận đánh Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng LLVT Quân khu 9)

Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận đánh Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng LLVT Quân khu 9)

Mốc son trong kháng chiến chống Mỹ

Theo đánh giá của Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) thì “Chiến thắng Ấp Bắc chính là thành quả của đường lối phát triển cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng; mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự trong chiến tranh giải phóng. Đây là mốc son trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là kết quả của sự chỉ đạo nhạy bén, kịp thời, đúng đắn của Đảng, trực tiếp làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của kẻ thù”.

Để thực hiện trận càn vào Ấp Bắc, về phía địch đã sử dụng 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7, Tiểu đoàn 8 lính nhảy dù, 2 đại đội biệt động, 8 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ biệt kích. Tổng cộng địch đã sử dụng 25 đại đội bộ binh gồm trên 2.000 tên, cùng với 13 xe tăng M.113, 13 tàu các loại, 8 máy bay khu trục ném bom, 15 máy bay trực thăng, 11 máy bay trinh sát, 6 khẩu pháo 105 ly, 6 súng cối 106,7 ly. Tất cả lực lượng và trang bị hiện đại đặt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Sư đoàn 7 kiêm Tư lệnh Khu chiến thuật và một số cố vấn Mỹ đi kèm.

Về phía ta, có 1 đại đội tăng cường thuộc Tiểu đoàn 261 quân chủ lực Khu 8 (gồm 7 tỉnh: Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong và An Giang), 1 đại đội bộ đội địa phương của tỉnh, 1 trung đội trợ chiến, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành cùng lực lượng quân dân du kích của xã Tân Phú, do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 Võ Văn Hoàng chỉ huy thống nhất và trực tiếp ở hướng mũi là đồng chí Đặng Minh Nhuận (Bảy Đen) - Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Mặc dù vũ khí, đạn dược của ta trong trận đánh Ấp Bắc chưa nhiều, không có súng chống tăng nhưng với tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ luôn kiên quyết giữ vững trận địa, tiết kiệm từng viên đạn, với quyết tâm “Mỗi viên đạn là một quân thù”. Kiên quyết bám trụ, đánh trả các đợt tiến công của địch. Chính đồng chí Nguyễn Văn Đừng chỉ huy tiểu đội ở vòng ngoài của đội hình kiên quyết bám trụ, đánh trả các đợt tiến công của địch, dũng cảm bám theo một xe bọc thép và dùng lựu đạn đánh hỏng xe này. Tiểu đội của đồng chí Đừng sau này được mệnh danh là “Tiểu đội gang thép”.

Trong trận Ấp Bắc, Tiểu đoàn 261 đã phối hợp với các đơn vị địa phương, du kích đẩy lùi 5 đợt tiến công của địch. Trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch đã diễn ra quyết liệt và kéo dài từ 5 giờ đến 17 giờ ngày 2-1-1963. Phía địch đã tung ra ào ạt tàu chiến, máy bay lên thẳng, xe M.113 chở quân, cùng khu trục cơ, pháo binh bắn và ném bom yểm trợ… Nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ từng tấc đất quê hương, gây cho địch nhiều thất bại nặng nề, buộc chúng phải rút bỏ cuộc hành quân càn quét vào Ấp Bắc.

Ta đã tiêu diệt và làm bị thương 450 tên, trong đó có 9 tên cố vấn Mỹ, bắn rơi 8 máy bay lên thẳng, 3 xe M.113, bắn cháy và bị thương 16 xe quân sự của địch, làm thất bại hoàn toàn cuộc càn quét bất ngờ và to lớn của địch. Trên các mặt trận phối hợp, ta đã huy động được 36 đội du kích xã, gần 20 ngàn người tham gia đấu tranh chính trị tiến công địch, bao vây 30 đồn, triệt phá 22 “ấp chiến lược”. Trong khi ta chỉ có một đơn vị chủ lực ghép với lực lượng địa phương quân, du kích được trang bị phương tiện, vũ khí thô sơ đã đánh bại nhiều tiểu đoàn bộ binh chủ lực, bảo an ngụy có không quân, thủy quân, pháo binh, cơ giới tham chiến. Chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng của Tiểu đoàn 261 đã làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy sau một thời gian dài tung hoành trên chiến trường Khu 8. Sau trận đánh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam. Chiến thắng Ấp Bắc không chỉ vang xa trong cả nước mà đã vượt ra ngoài biên giới, sang các nước Mỹ - Latin, trong đó có đất nước Cuba ở bên kia nửa vòng trái đất.

Tiểu đoàn 261- Giron

Ở Việt Nam cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn biến cao trào, thì ngày 19-4-1961, tại Cuba, lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng và nhân dân Cuba dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng tư lệnh Fidel Castro đã lập nên Chiến thắng Giron lừng lẫy khi trong vòng chưa đầy 72 giờ đã đập tan cuộc tấn công xâm lược của 1.500 lính đánh thuê, được trang bị hiện đại và được sự hỗ trợ đắc lực của máy bay chiến đấu và tàu chiến Mỹ, nhằm lật đổ chính quyền Havana còn non trẻ. Chiến thắng Giron là thất bại quân sự đầu tiên của Mỹ tại Tây bán cầu. Cũng như chiến thắng Ấp Bắc ở Việt Nam của Tiểu đoàn 261 ngày 2-1-1963, góp phần tạo tiếng vang lớn cho cách mạng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ và lan nhanh ra thế giới. Sau khi nghe tin Chiến thắng Ấp Bắc vang dội của Tiểu đoàn 261 của Việt Nam, Fidel Castro đã cho xây dựng Tượng đài Chiến thắng Ấp Bắc ngay trên đất nước Cuba và quyết định trao tặng lá cờ chiến thắng trên bãi biển Giron cho Tiểu đoàn 261.

Đầu năm 1964, Tiểu đoàn nhận được tin vui, Bộ Tư lệnh Quân khu cử đồng chí Tư Hiệp (Đại tá Nguyễn Hòa Hiệp) - Phó trưởng ban Tuyên huấn Quân khu, thay mặt Bộ Tư lệnh đến trao danh hiệu “Giron” và lá cờ có dòng chữ “Giron” cho Tiểu đoàn 261. Ngoài lá cờ có dòng chữ “Giron”, Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba còn trao tặng cho Tiểu đoàn 261 một khẩu súng ngắn Col 12ly do LLVT Cuba thu được của quân xâm lược trong trận chiến trên bãi biển Giron. Món quà thể hiện tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Cuba; đồng thời bày tỏ lòng khâm phục tinh thần và ý chí chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 261 đã đánh thắng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ trong trận Ấp Bắc. Lá cờ có thêu dòng chữ “TIỂU ĐOÀN 261-GIRON” bằng những đường tơ vàng trên nền vải xanh, đỏ lấp lánh sao vàng.

Ngày 2-1-1964, tại vùng giải phóng xóm Đào, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã diễn ra buổi lễ trao cờ “Giron” với sự chứng kiến của chính quyền, nhân dân địa phương và đông đủ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 261, trong niềm vui phấn khởi của toàn đơn vị. Từ đó, Tiểu đoàn 261 còn có tên gọi thân thương khác là Tiểu đoàn 261-Giron, thắm tình hữu nghị Việt Nam - Cuba, trở thành biểu tượng chiến thắng của cả hai dân tộc. Hiện lá cờ của Tiểu đoàn 261-Giron và khẩu súng ngắn vẫn đang trưng bày phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng LLVT Quân khu 9.

Sau trận Ấp Bắc và nhận được phần thường cao quý, Tiểu đoàn 261-Giron đã tiếp tục ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên vùng đất Khu 8 với những chiến công nối tiếp chiến công, đó là xóa sổ hoàn toàn khu trù mật Thiên Hộ của Mỹ - ngụy nằm ở xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trong trận đánh này, đồng chí Nguyễn Minh Tua chỉ huy tiểu đội xung kích đã băng mình qua lửa đạn, đánh chiếm sở chỉ huy để cắm lá cờ Giron được Cuba trao tặng lên nóc lô cốt của 3 tên cố vấn Mỹ. Với thành tích xuất sắc, đồng chí Tua đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được đại diện cho Đoàn dũng sĩ miền Nam Việt Nam sang thăm Cuba và được đặt chân lên bãi biển Giron xinh đẹp.

Đơn vị tiếp tục hành quân qua các vùng đồng Tháp Mười, vùng 4, kinh Dương Văn Dương về Kiến Tường, có lúc vừa hành quân vừa chống càn với địch để bảo toàn lực lượng, vừa chiến đấu tiêu diệt đồn bót địch (đồn Cả Dừng, bót Vàm Đồn - Long An) sát biên giới Campuchia…

Ngày nay, Tiểu đoàn 261-Giron vẫn được biên chế trong đội hình của Trung đoàn 2, Sư đoàn 8, Quân khu 9. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn luôn tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống của đơn vị 3 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và 13 cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 261-Giron hôm nay luôn ra sức học tập, huấn luyện, rèn luyện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc và nhân dân cần, xứng đáng với tên gọi “Tiểu đoàn Giron” mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba trao tặng.


Ngày 2-1-2024, tại hội trường lớn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Liên lạc Tiểu đoàn 261 Giron tỉnh Bến Tre - Hội Cựu chiến binh tỉnh sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày Tiểu đoàn 261 nhận danh hiệu Giron (2-1-1964 - 2-1-2024). Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn ôn lại truyền thống anh hùng làm nên Chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng, đánh dấu mốc son trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần tạo tiếng vang lớn cho cách mạng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ và lan nhanh ra thế giới.
 

Kim Loan

-----------------------------------------

* Bài viết có tham khảo tư liệu “Tiểu đoàn 261 - Giron Quân khu 8 (1961 - 1975)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN