Mạng xã hội ảo - Hệ lụy thật, bài 4

Đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao

02/10/2023 - 05:23

BDK - Tội phạm công nghệ cao (CNC) là tội phạm có trình độ, kỹ năng, kiến thức chuyên môn về công nghệ, công cụ và phương tiện để tiến hành các hành vi vi phạm, nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC), Công an tỉnh đã phát hiện và đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc liên quan tội phạm CNC trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng cho công nhân tại Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành).

Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng cho công nhân tại Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành). 

Các vụ việc đáng chú ý

Công nghệ số phát triển không ngừng, đi liền với đó là các phương thức, thủ đoạn vi phạm pháp luật của tội phạm CNC ngày càng tinh vi hơn. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm CNC được Công an tỉnh tập trung triển khai. Các vụ việc nổi trội trong thời gian qua có thể kể đến như: Phòng ANM&PCTPSDCNC, Công an tỉnh phối hợp với Cục ANM&PCTPSDCNC, Bộ Công an và Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đối tượng P.M.T, Ấp 1, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp liên quan vụ việc có dấu hiệu của tội phạm “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

Vụ việc xảy ra vào ngày 9-5-2023, lực lượng chức năng phát hiện 1 ô tô lưu thông trên địa bàn TP. Bến Tre đang sử dụng thiết bị trạm phát sóng BTS giả, xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông để phát tán tin nhắn SMS. Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe ô tô có đặt một bộ thiết bị của trạm phát sóng BTS giả, với nội dung quảng cáo tuyển việc làm bán thời gian có dấu hiệu lừa đảo. Những thuê bao di động trong vùng phát sóng của trạm BTS giả của đối tượng P.M.T, đều nhận được tin nhắn của đối tượng phát ra.

Hay cũng trong năm 2023, Phòng ANM&PCTPSDCNC, Công an tỉnh phối hợp với Công an TP. Bến Tre tiến hành đấu tranh, triệt xóa thành công nhóm đối tượng có hành vi mua, bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Kết quả bước đầu làm việc 11 đối tượng có liên quan, mua bán 108 tài khoản.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác

Dự báo thời gian tới, tội phạm sử dụng CNC tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Trước tình hình trên, Phòng ANM&PCTPSDCNC, Công an tỉnh đã tham mưu lãnh đạo các cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa đến các tầng lớp nhân dân.

Vừa qua, đơn vị đã tham mưu triển khai “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng ngừa lừa đảo trực tuyến” trên phạm vi toàn tỉnh. Riêng Phòng ANM&PCTPSDCNC đã chủ động thực hiện hơn 310 bài tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền trực tiếp, tờ rơi, đăng tải trên Fanpage, mạng xã hội (MXH), cổng thông tin điện tử... Fanpage An ninh mạng Bến Tre trên MXH Facebook thường xuyên được đăng tải, cập nhật thông tin để cảnh báo cho nhân dân về các thủ đoạn lừa đảo, các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng phạm tội.

Nhằm chủ động phòng ngừa, bảo vệ bản thân mình trước loại hình tội phạm này, người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin vào các chiêu trò lừa đảo trên MXH, không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, không đưa thông tin cá nhân lên MXH... tránh để các đối tượng khai thác trục lợi, chiếm đoạt tài sản. Đối với các cơ quan, tổ chức, phải đặc biệt chú ý đế vấn đề bảo mật bí mật nhà nước, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Sự phát triển của Internet nói chung, MXH nói riêng đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của internet cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy.

Việc quản lý, sử dụng hệ thống mạng, MXH an toàn, lành mạnh, văn minh, vấn đề cốt lõi chính là từ người sử dụng MXH. Bản thân người sử dụng MXH phải có ý thức khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Cần tự xây dựng “bộ lọc” kiểm chứng thông tin khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng, chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực. Thường xuyên chia sẻ thông tin phòng chống tội phạm từ các nguồn chính thống, đáng tin cậy. Đấu tranh phản bác các quan điểm mang tính kích động, xúi giục, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Xây dựng ý thức cảnh giác trước các quảng cáo, lời mời việc nhẹ lương cao, đầu tư ít, lợi nhuận hấp dẫn, mượn tiền qua MXH. Xem kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thực hiện giao dịch dưới các hình thức do ngân hàng hướng dẫn, không nên thực hiện các hình thức mới khi chưa hiểu rõ. Không mua, bán, cho mượn, cho thuê căn cước công dân, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng; không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP cho bất kỳ ai khi chưa hiểu rõ về họ. Quản lý, bảo mật tốt các tài khoản MXH, không đăng nhập vào các đường link, file đính kèm từ tin nhắn lạ, không rõ người gửi, khi có nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải bình tĩnh, kịp thời thông báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

“Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật càng cần được đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, hướng đến đối tượng người trẻ để giúp họ có “bộ lọc” vững chắc khi tham gia môi trường mạng. Chỉ khi người sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi thì mạng xã hội mới không còn “đất” cho những nội dung xấu, những hành vi lừa đảo và tệ nạn xã hội”.

(Thượng tá Phạm Văn Thọ - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh)

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN