Đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững

19/05/2025 - 05:43

BDK - Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của người dân, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp khẳng định lợi thế, luôn duy trì vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào sâu rộng, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt.

Thu hoạch dừa uống nước tại huyện Giồng Trôm.

Thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển ngành nông nghiệp và huy động nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương, tỉnh cho phát triển nông nghiệp. Nhìn chung nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng tăng lên; đã xây dựng được chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách nhà nước chi cho ngành nông nghiệp là trên 4.000 tỷ đồng: đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp hệ thống xử nước thải cảng cá Thạnh Phú; mở rộng tuyến ống cấp nước từ Nhà máy nước Hòa Lợi, xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú; xây dựng mạng tuyến ống phân phối cấp nước khu vực Cù lao Long Thành, xã Sơn Phú và xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm; mở rộng mạng lưới cấp nước Nhà máy nước Thạnh Phú trên địa bàn xã Thạnh Phong…

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng NTM, tính đến tháng 4-2025, toàn tỉnh có 94 tổ hợp tác, 85 hợp tác xã, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, an toàn, hữu cơ; tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc... hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh.

Phương hướng thời gian tới

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong đó chú trọng chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo định hướng phát triển về hướng Đông để tạo dư địa và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm được chế biến sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi; cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị.

Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước…

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN