Đẩy mạnh liên kết vùng, phục hồi, phát triển kinh tế

22/12/2021 - 06:03

BDK - Câu chuyện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP. Hồ Chí Minh được tiếp tục nhắc đến tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2021 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh bình thường mới, yêu cầu đẩy mạnh liên kết càng cấp thiết hơn với mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa khẩn trương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Đẩy mạnh xúc tiến đưa đặc sản của Bến Tre ra thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: C.Trúc

Đẩy mạnh xúc tiến đưa đặc sản của Bến Tre ra thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: C.Trúc

Đẩy mạnh liên kết

Trả lời phỏng vấn báo chí tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2021, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng: Diễn đàn lần này rất quan trọng vì vừa kiểm soát được dịch bệnh hiệu quả, vừa khẩn trương phục hồi và phát triển KT-XH. Bến Tre cũng như các tỉnh ĐBSCL rất tích cực trong phòng chống dịch bệnh cũng như trong phục hồi, phát triển KT-XH. Một trong những cách phục hồi KT-XH nhanh là tăng cường sự kết nối.

Thời gian qua, tỉnh đã chủ động trong việc phối hợp với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trên cả nước để thúc đẩy việc kết nối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ, trước hết là các sản phẩm nông sản. Tỉnh có điều kiện phát triển rất tốt. Ngoài thị trường trong nước, tỉnh đang thực hiện một số giải pháp trọng điểm để mở rộng thị trường quốc tế. Cụ thể, tỉnh vừa kết nối với thị trường khu vực châu Âu, Mỹ, Nhật… để quảng bá và xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế, bên cạnh việc tập trung khai thác và phục vụ tốt thị trường trong nước. Tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào tỉnh, với nhiều chương trình, dự án phù hợp với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho hay: Sự liên kết và phát triển là yêu cầu tất yếu và thiết thực hiện nay. Trên nhu cầu này, chúng ta cố gắng phát huy tối đa những lợi thế, tiềm năng từng địa phương, từng ngành trong tổng thể phân công lao động xã hội của đất nước, cũng như trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để phát huy những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của tỉnh như: tôm, cua, cá, hoa kiểng, trái cây, dừa, bưởi…, các sở ngành, địa phương cần phải quan tâm nhiều hơn, phát triển nhiều sản phẩm đa dạng. Sở Công Thương tham mưu và đẩy nhanh các giải pháp xúc tiến thương mại, giúp kết nối trong việc cung ứng đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các ngành, trong đó có kinh tế nông nghiệp và kinh tế du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa, nét đẹp của quê hương. Qua đó, kết hợp phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh xúc tiến về đầu tư. Đặc biệt, đầu tư phát triển kinh tế hướng Đông để khai thác thế mạnh kinh tế biển. Tăng cường kết nối để thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh và tỉnh đầu tư ra các địa phương khác, ra nước ngoài.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Thời gian qua, các khuôn khổ thể chế hành chính không những không khuyến khích, không hỗ trợ liên kết vùng mà còn là sự chia cắt. Ví dụ, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với 4 tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ lại có Long An, Tiền Giang, như vậy nội tại ĐBSCL đã bị chia cắt. Tỉnh nào cũng lo cho mình nên không quan tâm đến thành quả kinh tế các tỉnh xung quanh, của vùng, đặt mình vào thế cạnh tranh nhiều hơn hợp tác. Trong khi thách thức lại là của cả vùng.

“Thu hút nhà đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL sẽ là cơ hội logistics và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Thu phí cơ sở hạ tầng cảng thì doanh nghiệp vẫn ủng hộ vì sẽ tạo ngân sách phát triển logistics…”, bà Đỗ Thu Hường - Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho hay.

“Nếu nhận dạng đồng bằng là 1 tổng thể thì những gì liên quan đến lợi ích hay thách thức của đồng bằng đều là chung, cần sự hợp tác như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước… Dứt khoát phải cần sự hợp tác của các tỉnh đồng bằng. Một yếu tố mà chúng tôi quan sát được hiện nay không có là thương hiệu chung Mekong Delta với hệ thống cơ sở dữ liệu chung nối kết với các cơ sở dữ liệu của thương mại Việt Nam. Hướng tới, nên kiến nghị Trung ương cho ĐBSCL thí điểm quyền lực về kế hoạch, quyền lực về tài khóa và quyền lực về ngân sách…”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Ông Vũ Thành Tự Anh chia sẻ thêm: “Theo tôi, có 3 công cụ quan trọng tạo ra sự hợp tác vùng. Đầu tiên là quy hoạch. Trong 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương có quy hoạch đầu tiên của vùng nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua. Một điểm quan trọng hơn là quy hoạch này không nói lên tiếng nói của 13 tỉnh, thành địa phương.

Công cụ thứ 2, các chi tiêu công đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng vì không có cơ sở hạ tầng thì không thể kết nối được các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở hạ tầng lớn của ĐBSCL còn nằm trên giấy. Sân bay, cảng biển, đường giao thông… tạo một thể thống nhất của nền kinh tế đồng bằng thì rất khó cho hoạt động liên kết có tính thị trường được thực hiện. Thứ 3 là cơ chế tài khóa, đầu tư trung và dài hạn. Sau 20 năm nghiên cứu và quan sát, tôi cho rằng cơ chế quan trọng nhất của liên kết chính là liên kết thị trường, kết nối các tác nhân của thị trường, nông dân - doanh nghiệp”.

Đổi mới sáng tạo mở

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, tới đây, bộ sẽ tiếp tục đồng hành trong việc phục hồi, phát triển bền vững ĐBSCL nói chung, hoạt động khoa học công nghệ đối với đổi mới sáng tạo của vùng nói riêng.

Sự hình thành, phát triển của đổi mới sáng tạo mở, bằng cách khai thác các ý tưởng, tận dụng tư duy đổi mới, cùng với sự kết hợp những ý tưởng có sẵn và hợp tác, tận dụng các nguồn lực để nghiên cứu. Các doanh nghiệp hiện nay có thể phát triển sản phẩm mới cho doanh nghiệp mình và mang sản phẩm đến với thị trường.

Cách làm này giúp doanh nghiệp cải thiện các dòng sản phẩm, dịch vụ, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đưa sản phẩm thương mại hóa. Đổi mới sáng tạo mở được xem là một giải pháp có thể phát huy tối đa các nguồn lực và sức mạnh của việc kết nối, nhằm phục vụ cho sự phát triển KT-XH của vùng, từng bước tạo dòng chảy trí thức trong môi trường kinh tế của vùng.

Về hình thành, phát triển thị trường khoa học công nghệ cho ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ định hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạch. Bộ sẽ tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị công nghệ ĐBSCL, lấy hạt nhân nòng cốt là sàn giao dịch thiết bị công nghệ Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ ĐBSCL. Triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhập khẩu giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng lan tỏa. Trước hết, ở các chuỗi ngành hàng chủ lực của vùng.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN