Đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

06/12/2023 - 05:33

BDK - Sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Xung quanh nội dung này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh cho biết:

Tập trung phát triển nền nông nghiệp xanh. Ảnh: T. Bạch

Tập trung phát triển nền nông nghiệp xanh. Ảnh: T. Bạch

- Với vai trò và nhiệm vụ chuyên môn, Sở NN&PTNT đã cụ thể hóa kế hoạch của UBND tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân.

Mục tiêu chính là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 6,5 - 7%/năm. Giá trị sản xuất 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 400 - 430 triệu đồng; lợi nhuận trên 1ha đất nông nghiệp từ 150 - 260 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Đồng thời ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái trong sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 2,1%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt trên 80%...

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; rà soát, xây dựng, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; về nguồn lực đầu tư; bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

* Qua 1 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa ông?

- Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đồng thời tăng cường hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành nên các vùng sản xuất trên các đối tượng như: dừa, cây ăn trái, cây giống - hoa kiểng, con heo, con bò, con tôm...

Các ngành chức năng cũng đã tập trung nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua việc đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến tháng 11-2023, toàn tỉnh có 25.063ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Trong đó, dừa là 18.121ha; cây ăn trái 667,4ha; thủy sản 6.275ha. Đến nay, toàn tỉnh có 36 vùng trồng xuất khẩu (71 mã số) với diện tích 594,41ha; có 13 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 642,91ha.

Về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), lũy kế đến tháng 11-2023, trên địa bàn tỉnh có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, có 154 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao với 105 chủ thể OCOP.

Song song đó, tỉnh tập trung phát triển cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, gia tăng giá trị nông sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn nhằm phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

* Thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn?

- Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, an toàn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng vùng sinh thái, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt các tiêu chuẩn nội địa và xuất khẩu. Thực hiện tốt công tác phòng trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất như: tập trung huy động đa dạng nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, gia tăng giá trị nông sản, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Tập trung triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm kết nối, mở rộng thị trường.

Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề. Đào tạo nghề chú trọng gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tập trung thực hiện các biện pháp nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai; khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững. Theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời tình hình thời tiết, mưa, bão cho người dân để chủ động sản xuất; hướng dẫn và khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản phù hợp.

Các cấp, các ngành chức năng và địa phương cùng tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong sản xuất nông nghiệp.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

Thanh Bạch (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN