Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua điện thoại thông minh. Ảnh: Hồ Ngon
Nhiều lợi ích trước mắt
Với việc ứng dụng các thành tựu từ cách mạng công nghệ, không chỉ riêng tại Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang hướng đến việc xây dựng một “xã hội không tiền mặt”. Trên tinh thần đó, ngày 16-6-2019 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan chọn công bố là “Ngày không tiền mặt” tại Việt Nam.
Sở dĩ TTKDTM đang trở thành xu thế chung của các nước vì nó mang lại nhiều lợi ích vượt trội, không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cả với toàn bộ nền kinh tế. Đối với cá nhân người sử dụng dịch vụ, việc ứng dụng TTKDTM sẽ giúp cho các giao dịch trở nên an toàn và tiện lợi hơn, có thể thanh toán nhanh chóng mọi lúc mọi nơi, kể cả thanh toán cho các đối tác ở khoảng cách xa về phương diện địa lý mà không cần mang theo tiền mặt, vừa chính xác, tiện lợi, vừa an toàn, phòng tránh được các nguy cơ trộm cắp, cướp giật.
Với hạ tầng kỹ thuật công nghệ hiện nay cung cấp cho người tiêu dùng nhiều phương thức lựa chọn để TTKDTM như: thanh toán bằng chuyển khoản tại các điểm giao dịch của ngân hàng, ATM; thanh toán bằng quẹt thẻ tại các điểm bán hàng có lắp đặt POS; thanh toán qua các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính có cài đặt các phần mềm ứng dụng của ngân hàng như Mobile Banking, Internet banking hay hiện đại hơn là việc ứng dụng mã QR code và các loại ví điện tử.
Đối với nền kinh tế, TTKDTM sẽ giúp minh bạch hóa các giao dịch của mọi tổ chức, cá nhân, góp phần quan trọng cho công tác phòng chống tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế và các giao dịch phi pháp khác. Một lợi ích khác phải kể đến là việc tiết giảm đáng kể chi phí in ấn, quản lý và kiểm đếm tiền mặt trong toàn xã hội và giúp huy động một lượng vốn đáng kể cho nền kinh tế.
Lợi ích trước mắt là như vậy, nhưng để thay đổi thói quen thanh toán của người dân vốn chủ yếu sử dụng tiền mặt không phải là việc dễ dàng, cần phải kiên trì vận động trong thời gian dài. Đó cũng chính là lý do từ năm 2006 đến nay, Chính phủ liên tiếp ban hành 3 đề án về đẩy mạnh TTKDTM các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, một bước tiến mới về mặt chủ trương là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố, quận, thị xã có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước; 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; phấn đấu 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Hiệu quả chưa cao
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19-4-2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1700/UBND-TCĐT giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện, tỉnh cũng đề ra mục tiêu bám sát với mục tiêu Đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, qua hơn 1 năm triển khai kết quả vẫn rất hạn chế, chỉ có ngành thuế thực hiện đạt 89,5% giao dịch nộp thuế trên địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng. Toàn tỉnh tỷ lệ này đạt 89,1%. Riêng đối với việc thanh toán tiền thuế của các doanh nghiệp, tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử tại các ngân hàng thương mại đạt 99,7%.
Ngành điện lực tuy đạt được kết quả tương đối với 56,1% số tiền điện tại địa bàn thành phố được thanh toán qua ngân hàng (chỉ tiêu là 70%) nhưng thực tế chỉ có 8,4% số hóa đơn tiền điện được thanh toán qua ngân hàng. Các chỉ tiêu còn lại rất thấp hoặc chưa được triển khai thực hiện như: chỉ có 6,7% cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; Kho bạc Nhà nước tỉnh chưa có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước; 100% trường cao đẳng vẫn thu học phí bằng tiền mặt; chưa có bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai phương thức thu viện phí qua ngân hàng và việc chi trả an sinh xã hội vẫn tiếp tục được chi trả trực tiếp thông qua cán bộ tại địa phương.
Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Đối với nguyên nhân khách quan là do thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân đã tồn tại từ rất lâu đời, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Về phía các cấp chính quyền ở địa phương trong thời gian qua thiếu tính quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đơn vị liên quan trong triển khai chủ trương trên. Về phần mình, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết để mang đến cho người dân, doanh nghiệp những dịch vụ thanh toán an toàn và tiện lợi nhất.
Tuy cung cấp hầu hết cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán nhưng các ngân hàng lại không phải là đơn vị trực tiếp thực hiện các chỉ tiêu của đề án mà nó lại thuộc về trách nhiệm của nhiều ngành, đơn vị liên quan như thuế, điện, nước, y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội. Trong đó ngoại trừ ngành thuế đã tổ chức thực hiện tốt thì phần đông các đơn vị còn lại vẫn không xem đó là trách nhiệm của mình, chưa chủ động triển khai hoặc triển khai không đi vào trọng tâm.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn dài, do đó tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn để có thể hoàn thành các chỉ tiêu theo chủ trương của Chính phủ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để triển khai ngay các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Đối với ngành điện lực, nước cần có lộ trình cụ thể để chấm dứt hoạt động của các điểm thu hộ và thu tiền điện, nước tại nhà, đề nghị khách hàng đăng ký tài khoản để trích thu tiền điện hàng tháng, sau đó mở rộng sang toàn địa bàn tỉnh.
Sở Y tế cần chỉ đạo hệ thống các bệnh viện tuyến tỉnh (sau đó mở rộng sang huyện) cùng Kho bạc tỉnh lựa chọn và phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai lắp đặt POS tại các quầy giao dịch và tập huấn cho cán bộ, nhân viên phương thức sử sụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán thẻ của người dân. Các Trường Cao đẳng Bến Tre, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi cần ghi trực tiếp trên giấy báo nhập học nội dung không thu học phí bằng tiền mặt và ghi rõ số tài khoản của nhà trường để học sinh, sinh viên chuyển khoản nộp học phí. Các ngân hàng tăng cường việc tiếp thị, hướng dẫn người dân mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ thanh toán, tổ chức các sự kiện quảng bá, tiếp thị tại các nơi công cộng, bệnh viện, trường học để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được lợi ích của việc TTKDTM, từ đó tích cực ủng hộ chủ trương và tham gia thực hiện.
Tính đến cuối tháng 5-2019, toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh có 29 chi nhánh, 62 phòng giao dịch và 127 ATM, chưa tính đến các dịch vụ ngân hàng lưu động, mạng lưới ngân hàng và các ATM đã có mặt trên khắp các huyện, thành phố của tỉnh, kể cả các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, hiện nay, toàn tỉnh có 486 POS, tăng 223 POS (+85%) so với cuối năm 2016, doanh số thanh toán qua POS bình quân/tháng cũng tăng tương ứng 189%. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, đến cuối tháng 5-2019, các chi nhánh ngân hàng cũng đã phát hành 1.498.767 tài khoản thanh toán cho người dân. |
Lê Công Thành - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre