
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - tỉnh Bến Tre đã phát biểu tranh luận ý kiến với Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang về nội dung liên quan đến hoạt động lấn biển.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đã phát biểu tranh luận ý kiến với đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang về nội dung liên quan đến hoạt động lấn biển tại Điều 191.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng: “Luật Đất đai hiện hành chưa quy định về vấn đề này. Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo nghị định về đất biển. Vì vậy, để quy định đúng về hoạt động lấn biển cần triển khai, giải thích từ ngữ về hoạt động này đúng với thực tế đang diễn ra. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải thích rõ hơn từ lấn biển phải bao hàm phạm vi lấn biển của cả 3 khu vực đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển. Đề nghị sửa lại thành lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ hết ranh giới đất liền về phía biển của vùng biển Việt Nam.
Từ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị bổ sung nội dung thực hiện các dự án lấn biển đối với các bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển, khu vực biển tại khoản 3 Điều 190 và các điều luật khác có liên quan. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ liên quan đến nhiều luật khác, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định có liên quan đến các luật khác để tạo điều kiện khuyến khích hoạt động này trong phát triển, mở rộng diện tích đất theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Tranh luận ý kiến với đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn Kiên Giang, về hoạt động lấn biển, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu như vậy là chưa đầy đủ. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu rõ, hoạt động lấn biển là hoạt động rất quan trọng nhằm khai thác thế mạnh của 28 tỉnh có biển, không chỉ phục vụ cho các dự án đầu tư mà hoạt động lấn biển còn là hoạt động sinh kế của người dân ven biển, giúp họ phát triển kinh tế, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đại biểu Thanh Lam nhận thấy, đây là hoạt động rất quan trọng nhưng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa có nội dung quy định cụ thể trong Điều 191. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung thêm vào Điều 191 nội dung quy hoạch đất cấp huyện, cấp tỉnh cụm từ “khu vực đất lấn sông” vì thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài thực trạng xâm thực và bồi lắng cửa biển còn có sự hiện hữu của các con sông, đối với người dân vùng này có tập quán sinh sống ở hai bên bờ sông. Do đó, hoạt động xây kè bờ sông vừa tránh sạt lở, vừa sử dụng đất bãi bồi ven sông để phát triển khu dân cư, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đại biểu cho rằng, nếu không quy định vấn đề này thì sẽ thiếu trong quy hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cũng đề nghị xem xét và bổ sung nội dung cụm từ “khu vực đất lấn sông” vào điểm d, khoản 2, Điều 65, điểm g, khoản 2, Điều 66 dự thảo Luật về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và cấp tỉnh. Đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan quan tâm tới hoạt động lấn biển và hoạt động lấn sông cho phù hợp với quy hoạch.
Sau một ngày thảo luận, tranh luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong kỳ họp này, vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi.
Tin, ảnh: Hồng Yến