Luật Đất đai (sửa đổi) phải hướng đến đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân

21/06/2023 - 15:26

BDK.VN - Sáng 21-6-2023, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp; Quốc hội dành cả ngày họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và được tuyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, đây là lần thứ hai dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy van xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại Hội trường đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy van xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại Hội trường đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của cử tri, đã có một số vấn đề đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm nghiên cứu.

Thứ nhất, về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu cho rằng: Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý đã cho thấy sự tập trung cao của ngành mà thể hiện rõ nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, bước đầu tạo được niềm tin trong Nhân dân khi ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề mà đại biểu lo lắng hiện nay là mặc dù đã có quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai nhưng trên thực tế khi người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì thủ tục làm rất lâu, thông thường phải mất thời gian hơn một năm kể từ lúc đăng ký tại xã, phường, thị trấn đến khi hoàn thành, như vậy là vì lý do gì? Theo quy trình hiện nay, cấp xã phải tiếp nhận yêu cầu của người dân, tổng hợp trình cấp huyện, cấp tỉnh và HĐND tỉnh ra nghị quyết, sau đó UBND ra thông báo, người dân bắt đầu làm hồ sơ chính thức. Như vậy, nếu người dân am hiểu pháp luật thì có thời gian một năm; trường hợp người dân không nắm rõ quy trình thì phải kéo dài hơn một năm dẫn đến một số tình huống có tính cấp thiết của gia đình mà người dân không thể chờ quy định kéo dài như trên nên xảy ra việc “cất nhà trước, làm giấy sau” diễn ra khá phổ biến, dẫn đến vi phạm pháp luật về đất đai.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần xem lại để có giải pháp rút ngắn thời gian và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình để người dân có cơ hội tiếp cận ngay các quy định của pháp luật về đất đai. Hiện nay, đất đai trong dài hạn đều có quy hoạch, khi chưa có kế hoạch trong ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết ngay cho dân. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị những khu vực đã quy hoạch là đất ở thì khi người dân có nhu cầu cơ quan nhà nước phải giải quyết ngay, không phải đăng ký chờ sang năm sau khi có kế hoạch phân bổ mới giải quyết vì thời gian là cơ hội của người dân. 

Thứ hai, đại biểu cho rằng hiện nay hầu hết mục đích sử dụng đất của dân bị thay đổi là do ảnh hưởng và tác động từ những dự án của Nhà nước. Mặc dù các dự án đều có báo cáo đánh giá tác động trong giai đoạn triển khai nhưng không đáng kể vì khi Nhà nước xây dựng con đường đi ngang qua khu vực chuyên trồng lúa thì thực tế sẽ có những nơi người dân sẽ tiếp tục canh tác được cây lúa và những nơi không thể tiếp tục trồng  lúa do ảnh hưởng về điều kiện tự nhiên và tiếp sau đó lại quy hoạch hai bên đường là đất ở, như vậy, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất (như thủ tục chuyển nhượng, khả năng về tài chính, thay đổi mục đích sử dụng…)

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung điều khoản trong Luật có nội dung quy định đối với những dự án có tác động đến môi trường làm thay đổi điều kiện tự nhiên dẫn đến thay đổi mục đích sử dụng đất thì Nhà nước phải có trách nhiệm và chính sách để hỗ trợ người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi để cho người dân thực thi Luật Đất đai một cách tốt nhất.

Thứ ba, nội dung quy định về cơ quan quản lý đất đai và công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn (Điều 23)

Tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo Luật có quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức dịch vụ công về đất đai gồm: Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức dịch vụ công khác được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, tổ chức dịch vụ công về đất đai là Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm phát triển quỹ đất và các tổ chức khác tại các tỉnh, thành phố hoạt động theo cơ chế Nhà nước đặt hàng và trả phí thông qua lương và chi thường xuyên nhưng trên thực tế, người dân vẫn còn tâm lý ngán ngại trong tiếp cận với hồ sơ đất đai và để hạn chế “tình trạng cò hồ sơ” nên các địa phương đều hình thành bộ phận cung cấp các dịch vụ trên. Qua đó, cho thấy rằng Bộ phận dịch vụ được hình thành từ tổ chức thực hiện chính sách về đất đai, theo đại biểu thấy như vậy là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị nên sáp nhập Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất để Nhà nước điều hành và quản lý nhằm phục vụ người dân được tốt hơn dù là công hay tư.  

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Luật Đất đai và văn bản dưới Luật thời gian qua luôn đi chậm so với xu hướng phát triển chung của xã hội mà chính điều này là nguyên nhân phát sinh những vấn đề phức tạp, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện về cơ chế, chính sách và các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người dân. Đại biểu kiến nghị nội dung dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này cần quy định cụ thể, giảm bớt các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và sớm dự thảo những văn bản hướng dẫn thi hành Luật để ban hành đồng bộ, kịp thời theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN