Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tương thích với pháp luật có liên quan

21/06/2023 - 12:59

BDK.VN - Sáng 21-6-2023, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 21-6-2023

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 21-6-2023

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre, qua nghiên cứu Dự thảo Luật và từ thực tiễn hoạt động giám sát, đã góp ý nhiều nội dung của dự thảo Luật đặt trong tương quan với các quy định pháp luật có liên quan trên các lĩnh vực thủy sản, khoáng sản, lâm nghiệp, tài nguyên nước, đê điều, quốc phòng và an ninh….

Liên quan đến đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ sự khác nhau giữa đất có mặt nước là ao, hồ, đầm được giao để nuôi trồng thủy sản quy định tại Điều 188 với đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng cũng được giao để nuôi trồng thủy sản quy định tại Điều 209 và các dạng tích tụ nước theo khái niệm về nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước bao gồm: Sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá cũng được nuôi trồng thủy sản. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nên điều chỉnh theo dạng tích tụ nước, không nên điều chỉnh theo mục đích sử dụng nước, bởi vì ở đâu có nước ở đó có thể nuôi trồng thủy sản, không chỉ nuôi thủy sản ở ao, hồ, đầm và ngoài nuôi trồng thủy sản cũng có thể sử dụng đất có mặt nước cho các mục đích khác. Đồng thời, đề nghị quy định rõ việc san lấp hoặc đào ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản thì phải được phép của cơ quan có thẩm quyền về tài nguyên nước để dễ áp dụng và thống nhất với Luật Tài nguyên nước.

Liên quan đến quy định về đất rừng, đại biểu cho rằng các quy định tại các Điều 184-186 của dự thảo Luật đã tương thích với pháp luật về lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước của các hồ thủy điện cũng cần được nghiên cứu chuyển sang đất rừng phòng hộ để trồng rừng phòng hộ nhằm bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy, hạn chế xói lở, bảo vệ các cột mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước do chính các công ty thủy điện quản lý. Thực tế hiện nay, các công ty thủy điện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất vẫn phải bồi thường diện tích đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước nhưng không được sử dụng mà phải giao lại cho địa phương và địa phương lại giao cho các hộ dân canh tác nông nghiệp, trồng rừng. Tuy nhiên, việc trồng rừng lại thiếu đồng bộ, không đảm bảo mục tiêu rừng phòng hộ đầu nguồn, hoặc bị bỏ hoang hóa đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước ở những vị trí hiểm trở, dẫn đến nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn công trình, mất mát các mốc chỉ giới. Do đó đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần xem xét bổ sung trường hợp đặc thù này.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bỏ khoản 2 Điều 186 quy định “Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương lập dự án di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”. Quy định này nhằm mục đích giải quyết một tình huống cụ thể đã tồn tại từ lâu về dân di cư đang sinh sống trong phân khu nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, nhưng nếu quy định như vậy thì không thể giải quyết dứt điểm tình trạng này mà còn khuyến khích tình trạng vi phạm, phá rừng đặc dụng và đi ngược lại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu cho rằng không nên luật hóa một hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, thay vì đưa vào luật thì nên có giải pháp riêng để giải quyết và hiện nay khi sơ kết Chỉ thị số 13-CT/TW dự thảo báo cáo cũng đã có đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng này.     

Đối với đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, tại điểm d, khoản 2, Điều 203 dự thảo Luật quy định“Trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất mặt thì không phải thuê đất mặt”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “thuê đất mặt” vì khái niệm này chưa được đề cập trong Luật, chưa rõ cho thuê đất mặt trong trường hợp nào, hình thức cho thuê, quy cách của lớp đất mặt….

Ngoài ra, tại khoản 5, Điều 203 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, bố trí quỹ đất, giao đất để lực lượng Công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự đối với khu vực hoạt động khoáng sản khi có yêu cầu. Đại biểu đề nghị làm rõ nguồn gốc đất, đất có thuộc phạm vi dự án hay không, có phải là đất quốc phòng, an ninh không. Đồng thời, cần làm rõ việc hoàn lại đất khi dự án kết thúc hoặc khi tình hình an ninh trật tự không còn phức tạp và ai chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện về nhân sự và chế độ cho lực lượng này đối với việc bảo vệ an ninh trật tự cho một công trình, dự án cụ thể.

Đồng thời, qua thực tiễn giám sát đại biểu thấy còn nhiều bất cập đối với các dự án khai thác khoáng sản trong việc thuê đất và hoàn lại từng phần đất sau thuê theo tiến độ khai thác khoáng sản. Như đối với các dự án khai thác Boxit, mặc dù đã được quy định trong Luật Đất đai 2013 nhưng tính khả thi không cao, do chưa có những quy định cụ thể về quy trình, thủ tục và quy định về quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi hoàn lại đất đã thuê, dẫn đến nhà đầu tư không muốn hoàn lại, không thể hoàn lại hoặc không được hoàn lại đất theo tiến độ khai thác cho địa phương, trong khi địa phương rất cần quỹ đất để phát triển kinh tế.

Đối với đất công, đại biểu đề nghị cần phân biệt rõ đất sử dụng vào mục đích công cộng quy định tại Điều 201 với đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ quy định tại Điều 204 và đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng quy định tại Điều 209 vì có sự trùng lắp với nhau. Theo đó, đất sử dụng vào mục đích công cộng tại Điều 201 bao gồm đất để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có sân bay, bến cảng, như vậy có trùng lắp với đất cảng hàng không, sân bay dân dụng tại Điều 202 hay không? Ngoài ra đất sử dụng vào mục đích công cộng tại Điều 201 cũng bao gồm đất xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, trong khi đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ tại điều 204 cũng bao gồm đất xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi.

Đồng thời, hồ thủy điện về hình thức cũng giống hồ thủy lợi cũng có hành lang bảo vệ công trình nhưng lại chịu sự điều chỉnh của Điều 209 quy định về đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng. Và theo pháp luật về thủy lợi, hồ chứa nước chỉ là một phần của công trình thủy lợi lại vừa bị điều chỉnh bởi Điều 204 và vừa chịu sự điều chỉnh bởi Điều 209. Hiện nay, ngoài việc kết hợp nuôi thủy sản, các hồ thủy điện còn có hoạt động du lịch, và năng lượng, vậy chịu sự điều chỉnh của loại đất sử dụng đa mục đích quy định tại Điều 212 hay đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng quy định tại Điều 209. Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể, nguyên tắc xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất đa mục đích để tránh rủi ro cho cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh chồng lấn về thẩm quyền cấp phép và thất thoát ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cho thống nhất các khái niệm: Đất thuộc phạm vi vùng phụ cận công trình thủy điện, thủy lợi; hành lang bảo vệ công trình theo Luật này với hành lang bảo vệ nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước; hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi; hàng lang bảo vệ đê điều theo Luật đê điều; khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn và hành lang an toàn kỹ thuật theo pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để việc áp dụng được thuận lợi trong thực tiễn. Đồng thời, cần rà soát quy định kỹ về các trường hợp chuyển tiếp đối với các diện tích đất có người đang sử dụng hợp pháp được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong các hành lang bảo vệ an toàn theo quy định của Luật này, nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước, nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo pháp luật về thủy lợi và khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, và hành lang an toàn kỹ thuật theo pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…để đảm bảo quyền lợi của người dân.                                                                               

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN