Đề nghị Trung ương xem xét ban hành chính sách khoanh nợ đối với các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và cho tiếp tục vay vốn để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh (nếu doanh nghiệp có chiều hướng phát triển).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trả lời: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thời gian qua, NHNN và các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, như: 6 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất tiền gửi VNĐ nhanh hơn dự kiến, tổng mức giảm trong năm 2012 khoảng 5-6%/năm; Tổ chức rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ vốn vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt; xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo qui định pháp luật; xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây xuống mức lãi suất cho vay hiện hành; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính được vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đối với việc khoanh nợ, pháp luật hiện hành không qui định việc các tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng, trừ trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc khoanh nợ. Trường hợp khách hàng gặp khó khăn về tài chính không trả được các khoản nợ đến hạn thì tổ chức tín dụng được quyền xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay. Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tại Nghị quyết 01/2013 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.
Tiền polymer giả có mệnh giá 200.000đ và 500.000đ lưu thông rất nhiều trên thị trường, người dân khó có thể phát hiện được. Cử tri đề nghị tăng cường biện pháp kiểm tra, quản lý và có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiền giả lưu thông trên thị trường.
- Các loại tiền giả polymer mới xuất hiện gần đây đều có thể kiểm tra, nhận biết bằng tay và mắt thường, qua kiểm tra các yếu tố bảo an thông dụng dành cho công chúng. NHNN đã thông tin đầy đủ cụ thể trên trang tin điện tử của Ngân hàng để nhân dân biết, chủ động phòng ngừa. Thời gian qua, Ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tiền giả, đã phát hành cuốn tài liệu và áp-phích nhằm giới thiệu những đặc điểm bảo an, cách kiểm tra nhận biết và qui định của pháp luật về phòng chống tiền giả. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 03 và phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả… Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách kiểm tra, nhận biết tiền thật, tiền giả…