Đề nghị có một chuẩn chung để quản lý các công ty, doanh nghiệp cũng như cá nhân tham gia, sản xuất kinh doanh rượu

06/02/2014 - 17:43

Trong Điều 12 Nghị định 94/2012 của Chính phủ qui định: tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thì không bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký nhãn hàng hóa, không phải dán tem mà chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương.

Qui định này tạo kẽ hở luật, tạo điều kiện cho các cơ sở nấu rượu thủ công ngày càng mở rộng gây bất ổn cho thị trường. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, ban hành thông tư hướng dẫn qui định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công như nêu trên có giấy phép sản xuất, bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký nhãn hàng hóa, dán tem. Đồng thời Bộ cần có văn bản hướng dẫn về việc thu hồi giấy phép đối với các đối tượng (như nêu trên) vi phạm về điều kiện sản xuất.

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời: Những năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh rượu phát triển tràn lan từ thành thị đến nông thôn, cá biệt xuất hiện các loại rượu kém chất lượng, rượu giả ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để hạn chế tình trạng này, tăng cường công tác quản lý và đưa việc sản xuất, kinh doanh rượu đi vào nề nếp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 40/2008/CP). Những qui định tại Nghị định 94 là giải pháp hữu hiệu trong việc kiểm soát, kinh doanh rượu trên thị trường, chống thất thu thuế cho Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo qui định của Nghị định này, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh, nên các tổ chức, cá nhân kinh doanh nó (phân phối, buôn bán…) phải có giấy phép và đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo qui định của pháp luật hiện hành (trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu). Tuy nhiên, để quản lý các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho các doanh nghiệp (như nêu trên) tránh tình trạng phát triển tràn lan, gây bất ổn thị trường, tại Điều 12 của Nghị định cũng đã qui định rõ, các cơ sở, cá nhân này phải đăng ký với chính quyền địa phương tại nơi sản xuất, phải được chính quyền địa phương xác nhận và chỉ được bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu. Các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công này cũng phải chịu trách nhiệm như các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất. Trong quá trình vận chuyển đến nơi tiêu thụ, các tổ chức, cá nhân này phải xuất trình được hợp đồng mua bán rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra. Nhà nước quản lý các tổ chức, cá nhân này thông qua Giấy đăng ký sản xuất rượu thủ công, Hợp đồng mua bán. Trong trường hợp không bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu thì phải xin cấp giấy phép sản xuất theo qui định và bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký nhãn và phải dán tem.

- Đối với việc thu hồi giấy phép sản xuất rượu, kinh doanh rượu đã được qui định tại Điều 23 Nghị định 94/2012; Khoản 7, Điều 18 Thông tư 39/2012 của Bộ Công Thương.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN