Đó là lời đề nghị của cử tri huyện Bình Đại. Bởi, khi có “lời đề nghị” tức người dân đã thấy được hiệu quả của việc sản xuất phải có qui hoạch, kế hoạch…, để đảm bảo đầu ra của sản phẩm sẽ không lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá”. Đồng thời, cử tri địa phương cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ người dân trong phòng bệnh chổi rồng trên cây nhãn; định hướng nuôi thủy sản cho nhân dân xã Thừa Đức.
- Ông Võ Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại trả lời: Vào đầu năm 2012 (tháng 3), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND huyện có công văn gửi đến các xã đăng ký trồng mới thay thế giống cây ăn quả theo Dự án QSEAP của tỉnh. Dự án này thực hiện trong năm 2013 và có hỗ trợ tiền giống (70%). Sau đó, qua thống kê được biết các xã đã đăng ký trồng mới cây ăn quả với tổng diện tích là 27,24ha. Trong đó, bưởi da xanh 25,69ha, nhãn 1,55ha. Riêng xã Long Hòa đăng ký trồng mới theo Dự án là 4,46ha. Nâng tổng diện tích bưởi da xanh trong toàn huyện lên 55,85ha; diện tích đang cho trái là 42,35ha. Để vườn bưởi da xanh của huyện phát triển tốt, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với cơ quan chuyên môn tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ nông dân để triển khai, phổ biến các biện pháp chăm sóc, phòng chống sâu đục trái bưởi… Hiện, tình hình sâu bệnh trên cây bưởi da xanh đã được ngăn chặn, cây phát triển tốt.
Đối với việc phòng, trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn, huyện Bình Đại cũng đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu” quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở 2 xã Long Hòa và Châu Hưng với diện tích 100ha, trong đó xã Long Hòa thực hiện theo mô hình tổ hợp tác VietGAP (diện tích 57,6ha). Vào cuối năm 2012, huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức lễ phát động ra quân đồng loạt trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn cho 2 xã điểm Long Hòa, Châu Hưng và triển khai kế hoạch của UBND huyện về việc tổ chức lễ phát động ra quân đồng loạt phòng trừ bệnh này cho các xã còn lại.
Riêng việc định hướng nuôi thủy sản xã Thừa Đức, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức công bố, công khai Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2020; đồng thời, UBND huyện cũng đã phê duyệt Qui hoạch và Đề án xây dựng xã nông thôn mới Thừa Đức giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020, trong đó có định hướng phát triển nuôi thủy sản của xã. Vì vậy, trong quá trình quản lý, điều hành phát triển nuôi thủy sản, địa phương cần tập trung phát triển theo qui hoạch. Đối với diện tích nuôi tôm quảng canh, xen rừng và đất giồng cát trồng hoa màu cần giữ vững diện tích.