Đề nghị thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa

01/10/2013 - 17:41

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), giá trị tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam, tính đến thời điểm này, không tăng mà có xu hướng giảm. Nông nghiệp Bến Tre cũng nằm trong tổng thể nông nghiệp cả nước nên chuyện giá trị tăng trưởng thời gian qua không tăng là đúng bởi rất nhiều nguyên nhân (ảnh hưởng nền kinh tế thế giới, do biến đổi khí hậu, sâu bệnh nhiều, giá cả một số loại phân bón tăng…).

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đồng ý chủ trương cho chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác, cũng đồng nghĩa với việc: làm thế nào để nông dân có thu nhập khá hơn? Vậy, đối với đất đang thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lúa đạt năng suất, chất lượng tốt thì biện pháp gì để ổn định diện tích này? Nhằm giúp nông dân từng bước vượt khó khăn, ổn định sản xuất, cũng chính là đảm bảo an ninh lương thực, Trung ương đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa. Tuy nhiên, để khoản tiền đó đến tay người nông dân cũng còn rất nhiều “khúc quanh”. Cử tri Mỹ Hòa (Ba Tri) cho rằng chủ trương vừa hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân trồng lúa vừa hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất lúa là rất hợp lý, cử tri đồng tình. Cử tri đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo, nhất là huyện, xã sớm thực hiện phần tiền hỗ trợ trực tiếp cho hộ trồng lúa. Phần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên phân bổ cho xã theo từng dự án… Cây mía có được hỗ trợ như cây lúa hay không, vì đất trồng mía của tỉnh cũng khá nhiều; giá cả lại bấp bênh. Hiện nay người trồng mía đang gặp khó khăn về giá bán.

Bà Phan Thị Thu Sương- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT trả lời: Đề nghị của cử tri là hợp lý, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. Về chủ trương hỗ trợ cho người trồng lúa, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh và đã phân bổ tiền về các địa phương. UBND các huyện, thành phố đang tổng hợp diện tích trồng lúa để tiến hành chi ngay cho người dân. Việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất lúa, UBND tỉnh đã có Quyết định 1350/2013 và giao cho Sở Tài chính có trách nhiệm phân bổ vốn cho các địa phương theo đúng qui định.

-Đối với cây mía, trong các niên vụ trước giá mía tương đối ổn định, người dân sản xuất mía có thu nhập khá. Riêng niên vụ 2012-2013, giá mua mía của các nhà máy đường thấp do lượng cung nhiều hơn cầu và việc quản lý lượng đường nhập lậu kém hiệu quả, nên các nhà máy sản xuất giảm hiệu quả, thậm chí bị lỗ. Để hạn chế những khó khăn nêu trên, Sở đề xuất và thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục nhân rộng thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ giữa nhà máy đường và nông dân sản xuất mía áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi) tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển tiêu thụ mía. Kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ bình ổn giá mía.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN