 |
Hát mừng Xuân mới. Ảnh: Hữu Hiệp |
Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Văn hóa thực
sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh
quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu
trên, toàn xã hội nỗ lực thực hiện 6 nhiệm vụ: Xây dựng con người Việt Nam phát
triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Xây dựng văn hóa trong
chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát
triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa;
Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong
thời gian tới, một trong những nội dung là cần tiếp tục phát huy các giá trị,
nhân tố tích cực trong tổ chức và thực hiện các lễ hội. Nhiều giá trị, nhân tố
văn hóa trong lễ hội là sự hòa quyện giữa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc
với văn hóa truyền thống của quê hương ba đảo dừa xanh. Lễ hội là sinh hoạt văn
hóa tổng hợp của nhiều loại hình tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn học nghệ
thuật dân gian, là trung tâm tích tụ, lưu truyền văn hóa của dân tộc, của địa phương,
của một nhóm cộng đồng sinh sống trên cùng một địa bàn với nghề nghiệp nhất
định, phản ánh đặc điểm riêng có về quá trình hình thành, về nghề nghiệp, về
điều kiện lao động sản xuất, góp phần làm phong phú thêm và tạo diện mạo cho
đặc trưng văn hóa xứ Dừa.
“Lễ” là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự
tôn kính của con người với tiền nhân, phản ánh những ước mơ chính đáng của con
người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. “Hội” là sinh
hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc
sống. Tùy vào tính chất của lễ hội mà chính quyền và người dân Bến Tre hàng năm
ưu tiên phần lễ hay phần hội. Không tính các lễ hội tôn giáo, lễ hội ở Bến Tre
bao gồm các dạng cơ bản sau: Lễ hội thờ cúng Thành hoàng làng và các danh nhân
(hay lễ hội đình làng, đền, miếu); Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre
1-7; Lễ hội Nghinh Ông (tức tục thờ cá Ông - cá voi, hay Nam Hải Đại tướng
quân); Lễ hội lịch sử cách mạng (Lễ hội Đồng khởi 17-1); Lễ hội Văn hóa du lịch
(Lễ hội Dừa, Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp).
Lễ hội Bến Tre, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh
thần dân tộc, nhân văn, thể hiện những giá trị cơ bản.
Thứ nhất là giá trị hướng về cội nguồn. Thông qua lễ hội
đình làng, đền, miếu, lễ hội Đồng khởi…, người dân Bến Tre hướng về nguồn cội
của cộng đồng mình, hình thành quan niệm và ứng xử giữa thế giới người sống với
người chết, nhớ về người có công trong xây dựng làng xã, anh hùng liệt sĩ qua
các thời kỳ vì nghĩa quên thân như Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Tán Kế - Lê
Quang Quan… tựu trung là nhớ những người có công lao to lớn đối với đất nước,
với làng xã và được nhân dân tôn thờ, lịch sử ghi công. Tinh thần hướng về cội
nguồn ấy đã giúp người dân Bến Tre bảo tồn những trang sử vẻ vang của mình từ
thuở khai hoang, lập làng sang những trang anh hùng ca bi tráng, được khởi đầu
từ sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri,
vào tháng 4-1930, đến cao trào Đồng khởi năm 1960; từ sự ra đời của “Đội quân
tóc dài”, đến ngày quê hương hoàn thành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ,
giành độc lập cho dân tộc, chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thứ hai là giá trị tâm linh, các lễ hội ở Bến Tre ít nhiều
đều hướng đến giá trị tâm linh. Đó là lễ tưởng nhớ Thành hoàng và những vị thần
có công khai khẩn đất đai, lập làng, hy sinh xương máu vì sự bình yên của quê
hương và cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà no ấm trong lễ hội đình làng, đền,
miếu; lễ tạ ơn Thần Nông trong Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm
nông nghiệp vào dịp Tết Đoan ngọ; lễ tế cụ Nguyễn Đình Chiểu tại lễ hội truyền
thống văn hóa tỉnh Bến Tre 1-7… Đặc biệt là lễ hội Nghinh Ông ở các huyện ven
biển Bến Tre. Đây là lễ cúng cá Ông (cá voi) gắn liền với tục thờ cá Ông ở các
tỉnh ven biển nước ta. Với quan niệm cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu
tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung, con người có
tinh thần lạc quan, phấn khởi tạo cho mọi người những niềm tin vững chắc vào
cuộc sống, vào tương lai, ra sức xây dựng và vun đắp cho nét đặc trưng văn hóa
phi vật thể ở một vùng biển của Tổ quốc.
Thứ ba là giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Lễ hội là
nguồn cảm hứng và sáng tạo những giá trị văn hóa của cộng đồng, điển hình như
lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre 1-7 hàng năm đều có các hoạt động như
liên hoan đờn ca tài tử, nhạc lễ; biểu diễn trống hội, võ thuật, thi hóa trang
các nhân vật trong truyện “Lục Vân Tiên”… được rất đông người tham gia. Các
công cụ nghệ thuật từ nhạc cụ đến y phục, đến dụng cụ biểu diễn trang hoàng vừa
lưu giữ giá trị truyền thống, vừa sáng tạo thêm giá trị mới qua các năm tham
gia lễ hội... Hội thi trái ngon - an toàn, đấu xảo trái cây to - sai - lạ,
trưng bày mâm ngũ quả, hoa lan, cây cảnh... vào Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch)
hàng năm đều có nhiều tính độc đáo… Lễ hội Dừa là dịp để tôn vinh những giá trị
sáng tạo, những tài năng có tâm huyết của nghệ nhân và người thợ thủ công làm
ra những sản phẩm từ cây dừa… Các hoạt động trên như bảo tàng sống của văn hóa
dân gian Bến Tre. Thông qua lễ hội sẽ nhắc nhở mọi người hãy giữ gìn, duy trì,
sáng tạo và khơi dậy những giá trị văn hóa vốn có trên quê hương Đồng khởi, góp
phần xây dựng và vun đắp cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng đậm đà bản sắc dân
tộc.
Thứ tư là bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa qua lễ
hội. Trong không gian và thời gian của lễ hội ở Bến Tre, những giá trị văn hóa
của cộng đồng được nuôi dưỡng, tái tạo và trao truyền cho các thế hệ. Nó được
gìn giữ và phát huy trong đời sống của người dân. Đó là phần nghi lễ: nhạc lễ,
hình thức và nội dung lễ bái… Bên cạnh lễ, những hoạt động của hội cũng diễn ra
rất sôi nổi và đầy hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi người tham gia với những trò
chơi dân gian, thi đấu thể thao như: kéo co, bóng chuyền, thi đẩy gậy, nhảy bao
bố, đập niêu, kéo tay, hội thi mâm xôi - mâm cơm ngày giỗ… Qua đó, những giá
trị văn hóa dân gian sẽ được lưu truyền ở các lễ hội sau, các thế hệ sau. Mặt
khác, nội dung trong lễ hội vừa quảng bá hình ảnh về văn hóa, về đời sống mọi
mặt của địa phương, vừa có dịp để giao lưu, học hỏi các tinh hoa văn hóa từ
phía người tham gia lễ hội. Từ đó hình thành nên không gian văn hóa đặc sắc, cư
dân địa phương cảm nhận thêm các giá trị mới, bổ sung vào kho tàng văn hóa của
bản thân và quê hương mình.
Lễ hội là di sản văn hóa, là tài sản vô giá của dân tộc, của
quê hương Đồng khởi được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vì lẽ đó, việc tìm hiểu về các lễ hội và tổ chức tốt các lễ hội cũng là một
biện pháp giáo dục truyền thống, là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo
tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay theo tinh
thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).