Di tích lịch sử Mộ nhà thơ Phan Văn Trị

17/06/2020 - 07:47

BDK - Nhắc đến nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, không thể không nhắc đến huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Ông đã chọn làm nơi yên nghỉ cuối đời. Ngày nay, vị trí phần mộ của ông đã được huyện Phong Điền trùng tu, nâng cấp thành địa điểm di tích lịch sử uy nghi, trang trọng và được chăm sóc, bảo tồn, phục vụ nhân dân đến thăm viếng, tham quan, tìm hiểu.

Tượng quyển sách có in 4 bài thơ của Cụ đặt trong khuôn viên di tích.

Tượng quyển sách có in 4 bài thơ của Cụ đặt trong khuôn viên di tích.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Từ Bến Tre vượt hơn 90km mới đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị, tọa lạc tại ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Con đường từ ngoài quốc lộ vào đến khu di tích khá thông thoáng vì đường đã được mở rộng. Di tích nằm ở vị trí ven sông thoáng mát, khuôn viên rộng rải nhiều cây xanh được chăm sóc phát triển tươi tốt. 

Chị Lại Bích Trâm - Thuyết minh viên Di tích Mộ nhà thơ Phan Văn Trị giới thiệu nhiều thông tin về di tích cũng như những hoạt động đã từng được diễn ra tại đây. Theo lịch sử, nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm 1830, tại làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, ông đã chọn Phong Điền là nơi sinh sống và yên nghỉ cuối đời. Ông mất ngày 22-6-1910, tại làng Nhơn Ái, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũ (nay là ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ).

Trước đây, khu mộ của nhà thơ chỉ được xây dựng bằng xi măng đơn giản. Đến năm 1990, huyện Phong Điền đã trùng tu mộ bằng đá mài, xây hàng rào, trồng cây xanh, nâng cấp và mở rộng đường vào khu mộ. Năm 1991, mộ nhà thơ Phan Văn Trị được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2005, UBND huyện Phong Điền đã tiếp tục trùng tu di tích với quy mô trên 3 ngàn mét vuông, gồm có: phần mộ (có phần của cụ và của bà Đinh Thị Thanh - vợ cụ), nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, khắc tượng quyển sách có một số bài thơ của cụ, các bia đá được tạc các bài thơ của cụ, ao sen, sân lễ, cây xanh…

Từ lâu, chính quyền và nhân dân nơi đây đã tổ chức lễ giỗ của cụ theo ngày dương lịch 22-6 hàng năm. Chị Lại Bích Trâm chia sẻ, không chỉ riêng ngày giỗ cụ mới có hoạt động mà trong nhiều ngày lễ, Tết, chính quyền và nhân dân địa phương cũng đã tổ chức lễ dâng hương viếng cụ. Đối với ngày thường, cũng có rất nhiều đoàn khách, học sinh, sinh viên, các bạn trẻ về nguồn, đến viếng và tham quan, tìm hiểu lịch sử về cụ. Đền thờ có người bảo vệ xuyên suốt và có thuyết minh khi các đoàn khách có yêu cầu. 

“Riêng về ngày giỗ cụ, có nhiều hoạt động như: Trước một ngày (ngày 21-6), bà con nơi đây cùng nhau gói bánh để dâng cúng cụ. Huyện tổ chức một số trò chơi dân gian, tối có chương trình văn nghệ giao lưu giữa Giồng Trôm với Phong Điền. Sáng hôm sau (22-6), địa phương tổ chức buổi lễ dâng hương.”, chị Trâm cho biết thêm.

Dấu ấn khắc ghi

Bên cạnh phần mộ, nhà tưởng niệm… chính quyền địa phương còn cho khắc tượng quyển sách (cao hơn 3 mét) có in 4 bài thơ của cụ, đó là các bài: Mất Vĩnh Long, Hột lúa, Họa bài Tự thuật thứ nhất (bài xướng của Tôn Thọ Tường) và bài Cá lia thia.

Cổng vào Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ.

Cổng vào Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ.

Theo các tài liệu nghiên cứu, sự nghiệp thơ văn của cụ Phan Văn Trị có khoảng 100 bài thơ, phần lớn được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Trong nhiều sáng tác, cụ đã thẳng thắn phê phán quan lại xu nịnh, thể hiện tấm lòng yêu nước sáng trong, cao đẹp mang lập trường nhà thơ yêu nước rõ nét. Cụ không làm thơ theo dạng hưởng thụ, ngắm hoa, thưởng nguyệt mà sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén, đấu tranh chống bọn tay sai mù quáng và kẻ thù ngoại xâm tàn bạo với quê hương.

Tượng quyển sách được đặt ở giữa vị trí nhà tưởng niệm và nhà trưng bày, mỹ thuật đẹp mắt và dễ nhìn, dễ đọc. Trong đó, khắc một bài Họa Tự thuật thứ nhất (đối với bài xướng của Tôn Thọ Tường) được xem là một trong những bài thơ nổi tiếng của cụ: “Hơn thua chưa quyết đó cùng đây/ Chẳng đã nên ta phải thế này/ Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy/ Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay…”. Bài Mất Vĩnh Long cũng được nhiều người biết đến, thể hiện tâm trạng nặng lòng ưu tư của nhà thơ khi thấy cảnh nước mất nhà tan: “Tò te kèn thổi tiếng năm ba/ Nghe lọt vào tai dạ xót xa/ Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói/ Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa/ Tan nhà cám nỗi câu ly hận/ Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa…”.

Ngoài Tượng quyển sách còn có các bia đá được đặt phía ngoài vườn cây xanh, mỗi bia là một bài thơ của cụ Phan Văn Trị, đó là các bài: Hát bội, Tôn phu nhân quy Thục và bài Kiến hôi cắn kiến vàng.“… Hai vai tơ tóc bền trời đất/ Một gánh can trường nặng núi sông/ Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết/ Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng” (trích bài Họa Tôn phu nhân quy Thục).

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị tại Phong Điền như một biểu tượng của lòng tôn kính mà các thế hệ, các tầng lớp nhân dân đã dành cho cụ - một trong những nhà thơ yêu nước, can trường nghĩa khí và là một người sống thanh đạm, gần gũi với nhân dân. Phía Bến Tre cũng có đền thờ cụ Phan Văn Trị. Đây được xem là những dấu ấn văn hóa, lịch sử cần được giữ gìn, khắc ghi.

“Việc tổ chức lễ giỗ cụ được UBND huyện Phong Điền chủ trì, hàng năm phối hợp luân phiên với huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Lễ giỗ cụ năm nay do Bến Tre tổ chức. Lễ giỗ cụ có rất đông các tầng lớp nhân dân đến viếng, thắp hương cụ như một sự tôn kính có từ lâu đời” (chị Lại Bích Trâm - Thuyết minh viên Di tích Mộ nhà thơ Phan Văn Trị)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN