Diện mạo huyện nông thôn mới Chợ Lách

24/08/2020 - 06:46

BDK - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Lách với tinh thần quyết tâm trong thực hiện phương châm hành động “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới”, đã phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra. Nổi bật, huyện đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng huyện nông thôn mới (NTM).

Chợ Lách sản xuất bình quân mỗi năm khoảng 12 triệu sản phẩm hoa kiểng. Ảnh: Nhất Linh

Chợ Lách sản xuất bình quân mỗi năm khoảng 12 triệu sản phẩm hoa kiểng. Ảnh: Nhất Linh

Nhân dân đồng thuận, góp sức

Trên cơ sở nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp.

Lãnh đạo huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, kịp thời, tạo chuyển biến tích cực, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, người dân nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, mục đích của xây dựng NTM và vai trò chủ thể của mình khi tham gia đóng góp đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để thực hiện các tiêu chí NTM. Ngoài ra, người dân còn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với phong trào, cuộc vận động “Đồng khởi mới”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Cựu chiến binh gương mẫu chung sức, chung lòng xây dựng NTM”, “Thanh niên xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường nông thôn”, “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”…

Toàn huyện có 11 đơn vị hành chính, được chia thành 10 xã (82 ấp) và 1 thị trấn. Mật độ dân số 649 người/km2; dân số 109.698 người, trong đó, khu vực thành thị 7.988 người (tỷ lệ 7,3%), khu vực nông thôn 101.710 người (tỷ lệ 92,7%). Tổng số lao động trong độ tuổi 71.586 người (chiếm 65,36% dân số), trong đó 92,2% đang làm việc trong các ngành kinh tế.

Hiện các xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành quy hoạch trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh được duyệt. Quy hoạch xây dựng đảm bảo bao phủ trên phạm vi toàn huyện, đáp ứng được yêu cầu tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ là có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt.

Kinh tế nông nghiệp phát triển

Hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi được phê duyệt. Huyện đã đầu tư 65 hạng mục công trình đê bao, với tổng chiều dài 185,3km, diện tích khép kín tăng lên 10.890ha, tăng thêm 60,67% diện tích đất nông nghiệp. Huyện đã nạo vét 36 hạng mục, 80,4km kênh rạch, kinh phí 168,25 tỷ đồng. Cùng với đó, hai nhánh sông hạ nguồn Me Kong là Hàm Luông và Cổ Chiên kết hợp 46,98km sông trục ngang và 58,62km sông rạch trục dọc được quản lý, tạo thông luồng, thông tuyến, cung cấp và tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Diện tích đất nông nghiệp được chủ động tưới tiêu đạt tỷ lệ 92,39%. Đất nuôi trồng thủy sản được chủ động cung cấp và tiêu thoát 346ha (đạt 100%).

Đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện là 11.508ha (giảm 6ha so với năm 2015), trong đó diện tích đất trồng trọt chiếm 91,64%. Diện tích đất trồng cây ăn trái 8.597ha. Sản lượng trái cây bình quân các loại 110 ngàn tấn/năm. Chất lượng trái cây được nâng lên dẫn đến giá trị sản phẩm đạt 352 triệu đồng/ha, tăng bình quân 122 triệu đồng/ha so với năm 2015.

 Giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất cây giống tăng nhanh về diện tích (1.538ha), với trên 4 ngàn hộ sản xuất (gần 2 lần so với năm 2015). Cây giống của huyện tiêu thụ mạnh tại thị trường các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và một số tỉnh khác, kết hợp với giá bán ổn định nên lợi nhuận cao hơn trồng cây ăn trái và chăn nuôi. Nhiều giống cây ăn trái mới nhập nội, có tiềm năng phát triển được người dân sản xuất và trồng thử nghiệm như: sầu riêng Musanking, chôm chôm Mã Lai, mãng cầu na Thái, vú sữa Hoàng Kim, măng cụt, bơ, mít… mang lại thu nhập bình quân 750 triệu đồng/ha.

Sản xuất hoa kiểng cuối năm 2019 là 410,4ha. Sản lượng bình quân 12 triệu sản phẩm/năm. Sản xuất hoa kiểng ổn định, tăng về số lượng và giá bán ra. Các loại kiểng lá phục vụ trang trí khuôn viên tiêu thụ khá. Nhiều giống kiểng mới lạ được người dân nhập về sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Những năm qua, người dân huyện Chợ Lách mạnh dạn ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Trồng trọt được quan tâm từ quy hoạch, giống đến ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Hiện thu nhập bình quân đầu người của 10 xã là 46,97 triệu đồng/người/năm, tăng 29,71 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều đối với 10 xã là 2,24%, trong đó, xã thấp nhất còn 1,69% (xã Sơn Định), xã nhiều nhất còn 3,51% (xã Vĩnh Hòa).

Trồng trọt, cây ăn trái vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được Nhà nước đầu tư hỗ trợ như: Mô hình sản xuất chôm chôm GlobalGAP Phụng Đức B (xã Phú Phụng), VietGAP Tân Thới, An Thạnh, Lộc Hiệp (xã Vĩnh Bình); mô hình sản xuất sầu riêng VietGAP Trung Hiệp (xã Hưng Khánh Trung B), sầu riêng VietGAP Sơn Định, bưởi da xanh VietGAP Hưng Khánh Trung B… Trong đó, có 98ha được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, 200ha đủ điều kiện cấp chứng nhận VietGAP, 112ha đã qua tập huấn, thực hành nhưng chưa đủ điều kiện chứng nhận, tập trung các xã: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa, Sơn Định, Tân Thiềng và Hưng Khánh Trung B.

Lĩnh vực Văn hóa - xã hội

Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Lách được xếp hạng nhì vào năm 2017. Bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Y tế huyện được sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách và đã đạt chuẩn Quốc gia. Nhiều trạm y tế có phòng điều trị thuốc Nam miễn phí. Hiện có 95.142/109.698 người tham gia bảo hiểm y tế. 10/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ chiếm 8,96%.

Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tham quan sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách). Ảnh: Việt Cường

Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tham quan sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách). Ảnh: Việt Cường

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, trung tâm tập trung tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, các sự kiện chính trị của huyện; tuyên truyền về xây dựng NTM gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp…

Hiện trên địa bàn huyện có 11 câu lạc bộ đờn ca tài tử tại các xã, thị trấn và 1 câu lạc bộ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện. Công tác vận động xã hội hóa được quan tâm, đã đầu tư các công trình nhà thi đấu cầu lông, các hồ bơi để phục vụ phổ cập bơi trên địa bàn huyện. 82/82 ấp hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện tốt các tiêu chuẩn quy ước phù hợp với thực tế của từng địa phương. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận văn hóa đạt 97,5%. Các ấp thực hiện tốt các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang, lễ hội.

Trên địa bàn huyện có 3 trường THPT (Trần Văn Khiết, Trương Vĩnh Ký và Long Thới), trong đó có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trường THPT Trương Vĩnh Ký chưa đủ điều kiện đạt chuẩn do thiếu diện tích đất, thiếu một số phòng chức năng, thiếu sân dạy thể dục thể thao theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường THPT Long Thới đã đạt chuẩn Quốc gia, tỉnh đang hoàn thành thủ tục để đổi theo tên thành Trường THPT Võ Văn Kiệt (đã thông qua HĐND tỉnh). 10/10 xã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và đạt phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi; đạt phổ cập giáo dục (tiểu học, THCS) mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc) đạt trên 80%.

Trên địa bàn huyện có 2 khu xử lý chất thải rắn; khối lượng thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 10 tấn/ngày. Có 29.566 hộ tự thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý bằng các hình thức đào hố chôn lấp hợp vệ sinh, ủ phân và đốt xa nhà, khối lượng khoảng 44,8 tấn/ngày. Tại các cơ quan, trường học, nơi công cộng đều được bố trí các thùng thu gom rác hợp vệ sinh. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình “Xây dựng hố phân loại, xử lý rác thải tại nguồn 3 ngăn” giao các đơn vị đoàn thể thực hiện.

Đối với rác bao gói thuốc bảo vệ thực vật, huyện đã xây dựng 72 hố thu gom và tuyên truyền, vận động người dân thu gom và chứa trong dụng cụ phù hợp để giao cho đơn vị có chức năng tiến hành xử lý. Rác thải y tế được thu gom, phân loại và hợp đồng xử lý đúng theo quy định. Rác thải nguy hại tại các cơ sở được phân loại, phân định, thu gom riêng và hợp đồng các đơn vị có chức năng xử lý. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chế biến, chăn nuôi và làng nghề thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Chợ Lách có 46/46km đường huyện do huyện quản lý, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn huyện. Tỷ lệ mặt đường huyện được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt 100%. Các tuyến đường đạt kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định. 39/39 cây cầu trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Chợ Lách được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Ngành công an phối hợp với các ngành chức năng tham mưu Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện. Từ đó, không có xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật. Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội xảy ra trong thời gian dài. Các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, kéo giảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong lực lượng vũ trang có bước chuyển biến rõ nét, ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Hàng năm, lực lượng vũ trang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN