Đổi thay trên quê hương Đồng khởi, Bài 2

Diện mạo nông thôn mới

24/04/2024 - 05:37

BDK - Với khí thế thi đua “Đồng khởi mới”, toàn tỉnh đã và đang ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch và xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Giao thông nông thôn xã Hưng Phong (Giồng Trôm). Ảnh: A. Nguyệt

Giao thông nông thôn xã Hưng Phong (Giồng Trôm). Ảnh: A. Nguyệt

Nông thôn mới khởi sắc

Là vùng đất thuộc cù lao Minh, mang đậm dấu ấn cách mạng với phong trào Đồng khởi vang dội, Mỏ Cày Nam đang đẩy mạnh xây dựng NTM, phát triển đô thị, phát triển nông nghiệp bền vững. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng đô thị thị trấn Mỏ Cày và khu vực mở rộng phấn đấu đạt hơn 70% tiêu chuẩn đô thị loại III; thành lập thị xã Mỏ Cày và 6 phường trực thuộc. Định hướng đến năm 2030 thành lập TP. Mỏ Cày trở thành đô thị mang bản sắc của vùng đất xứ Dừa anh hùng.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường cho biết: Năm 2024, Huyện ủy tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Huyện ủy. Trong đó, lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, năng động, công khai, minh bạch trong thực hiện các nhiệm vụ. Chỉ đạo quyết liệt việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực để phát triển địa phương, ổn định đời sống của nhân dân, quyết tâm xây dựng thành công huyện NTM trong năm 2024.

Đến với Châu Bình, một xã vùng ven của huyện Giồng Trôm, một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng, mất mát qua 2 cuộc kháng chiến nay đã trở mình vươn lên với nhiều kết quả nổi bật. Sau chiến tranh, cả hệ thống chính trị và nhân dân Châu Bình đã tập trung xây dựng và phát triển xã. Châu Bình đã được tỉnh, huyện chọn và xây dựng thành công xã NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2014. Tiếp đó là xây dựng thành công xã NTM nâng cao năm 2021. Đến nay, Châu Bình đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Diện mạo của quê hương Châu Bình đổi mới trên nhiều phương diện. Đời sống người dân không ngừng nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,18 triệu đồng/người/năm. Dự kiến, tháng 5-2024, huyện tổ chức lễ công nhận xã Châu Bình đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tự hào trước sự phát triển của quê hương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Châu Bình Trần Quốc Dũng chia sẻ: “Kết quả đó là sự tổng lực của Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Châu Bình. Trong đó, lực lượng CCB phát huy vai trò nòng cốt, tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Trên 300 hội viên CCB xã Châu Bình tiếp tục tham gia góp sức, gương mẫu tham gia các phong trào của địa phương, tạo được uy tín và sự lan tỏa cho cộng đồng”.

Xã đảo vươn mình

Các địa phương trong tỉnh đang ra sức quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhiều xã vùng ven, xã đảo với xuất phát điểm thấp do ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh, hay địa hình cách trở, cũng đã không ngừng nỗ lực. Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, góp sức đưa quê hương từng ngày chuyển mình phát triển.

Cồn Ốc - xã Hưng Phong (Giồng Trôm) là một trong 2 xã cồn đảo của tỉnh (cùng với xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại). Hưng Phong được biết đến là một trong những địa phương có địa hình cách trở, biệt lập với đất liền. Những ngày mới giải phóng, nơi đây là vùng đất trũng thấp thường ngập trong triều cường. Toàn xã chỉ có 1 khung trường cấp 1, 1 nhà bảo sanh và 1 khu chợ nhỏ. Khi ấy, xã cũng chưa có điện, người dân chỉ thắp sáng bằng đèn dầu. Sau đó, khá hơn một chút là dùng đèn sạc bằng bình ắc-quy. Trên hai con đường chính, chỉ vài cầu được làm bằng xi-măng cốt thép. Còn lại, người dân địa phương dùng cây dừa, tre… để làm cầu tạm bợ.

Từ năm 1998, lưới điện quốc gia về đến làm bừng sáng vùng đất cồn Hưng Phong, mở ra một thời kỳ đổi mới, phát triển cho Cồn Ốc nhiều gian khó. Cùng với đó, phà Hưng Phong cũng được đưa vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại và cho du khách đến với địa phương. Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, sự đồng lòng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân toàn xã và hỗ trợ của các mạnh thường quân, Hưng Phong đã có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt. Xã đã đạt 13/19 tiêu chí xã NTM. Các ấp duy trì tốt việc thực hiện “Ngày Chủ nhật NTM” hàng tháng, dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan, trồng hoa trên các tuyến đường… Thực hiện Đề án phát triển bền vững xã Hưng Phong thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021 - 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Phong Võ Hoàng Trung, kinh tế địa phương tiếp tục giữ vững và nâng cao hiệu quả với kinh tế dừa, chăn nuôi. Hiện xã có 608ha vườn dừa, cây ăn trái trồng xen trong vườn dừa đạt 88,08ha, hướng đến xây dựng vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị dừa của huyện. Xã có 1 làng nghề đan giỏ cọng dừa với 7 tổ hợp tác hoạt động ổn định. Xã cũng đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - du lịch Cồn Ốc Hưng Phong. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 52 triệu đồng/người/năm (đạt 104% nghị quyết). Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, xây dựng mới phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế địa phương.

Dự án “Xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, Giồng Trôm” đang được triển khai thực hiện với tổng chiều dài hơn 11km. Mục tiêu nhằm ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất dân sinh… Đơn vị thi công đang thực hiện xây dựng 28 cống nằm trên tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong.

“Đất và người Bến Tre vốn có truyền thống cách mạng với những vị anh hùng đi vào lịch sử. Xét về lịch sử, nếu nói Mỏ Cày là nôi Đồng Khởi, thì Giồng Trôm cũng là căn cứ cách mạng của tỉnh. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mảnh đất này từng được mệnh danh là “Đất thép”. Chính truyền thống kiên cường trong đánh giặc đã hun đúc nên một ý chí và nghị lực luôn biết vượt lên gian khó để tiến về phía trước. Sự đoàn kết trong nội bộ Đảng - chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân cũng là nguồn sức mạnh tạo nên những thành tựu lớn. Vấn đề còn lại là làm sao ngọn lửa truyền thống ấy sẽ được truyền lại và không ngừng được thắp lên trong lòng đội ngũ kế thừa, ở lớp người kế tục”.

 (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be)

P. Hân - T. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN