Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc

06/07/2015 - 07:47

Chăm sóc màu tại xã nông thôn mới Tân Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: H. Hiệp

Từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03 về xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp ủy Đảng xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, mang tính tổng hợp, toàn diện của cả hệ thống chính trị; từ đó, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác học tập, quán triệt Nghị quyết Tỉnh ủy đến từng ấp, tổ nhân dân tự quản, từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, tổ chức lễ phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh với chủ đề “Quê hương Đồng khởi chung sức xây dựng NTM”.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế    

Đến nay, toàn tỉnh có 426 tổ hợp tác (THT) theo Nghị định số 151 với 8.547 tổ viên. Trong đó, có 177 THT trồng trọt, 16 THT trồng rau màu, 56 THT chăn nuôi, 157 THT thủy sản và 20 THT ngành nghề nông thôn. Hoạt động của các THT chủ yếu hướng vào mục tiêu tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm, thành lập quỹ tương trợ. Hiện tỉnh có 10 THT được chứng nhận VietGAP gồm các mô hình như: bưởi da xanh, nhãn, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng; 2 THT sản xuất chôm chôm, bưởi da xanh được công nhận GlobalGAP. Riêng năm 2014, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết “4 nhà”; tập trung đầu tư có trọng điểm các mô hình sản xuất hữu cơ sạch, công nghệ cao, hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng cho các mô hình sản xuất.

Đầu tư hạ tầng nông thôn

Các xã xây dựng NTM đã và đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa - xã hội; chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững, từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Đến nay, toàn tỉnh có 1.295,6km đường giao thông nông thôn được làm mới và cải tạo, nâng cấp, xây dựng 956 cây cầu, cống dân sinh với tổng vốn đầu tư khoảng 17.164 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 16 ngàn tỷ đồng. Có 32 công trình thủy lợi, 53km bờ bao chống lũ được cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch. 123 xã có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn, tổng kinh phí đầu tư hệ thống lưới điện toàn tỉnh đến nay là 870,8 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,64%. 144/486 trường học đạt chuẩn quốc gia; có 5 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 15 nhà văn hóa - khu thể thao ấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 34/125 chợ của 124 xã xây dựng NTM được xây mới và nâng cấp với tổng kinh phí 74,182 tỷ đồng, trong đó có 5 chợ đạt chuẩn theo tiêu chí NTM; 154 điểm bưu chính viễn thông đạt chuẩn, 124 xã có internet đến ấp, 10,59% hộ gia đình sử dụng dịch vụ cáp đường truyền internet.

Phát triển văn hóa - xã hội

Về giáo dục và đào tạo, có 124 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tỷ lệ học sinh học tiểu học đạt 99,85%, học THCS đạt 96%, học THPT đạt 62%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc, trường nghề đạt 80%.

Đường giao thông nông thôn xã Phú Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh: H. Hiệp

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giám sát tình hình dịch bệnh và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện là 65%, đã có 11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đội ngũ y sĩ, bác sĩ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ khám và chữa bệnh.

Toàn tỉnh có 1 huyện văn hóa, 163 xã, phường đạt chuẩn văn hóa, 3 xã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa NTM, 983 ấp, khu phố đã được công nhận lại danh hiệu Ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa, 98,25% hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa. Đặc biệt, đã đóng góp sức người, tiền của để xây dựng 155 đền thờ liệt sĩ với kinh phí trên 35 tỷ đồng. Phong trào xóa đói giảm nghèo đã hỗ trợ xây mới trên 3.300 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương. Đến nay, toàn tỉnh có 753 khu dân cư, 53 xã, phường, thị trấn và TP. Bến Tre cơ bản không còn nhà ở tạm bợ, dột nát. Đã kéo giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh đến nay còn dưới 9%.

 Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo tại 124 xã NTM giảm còn 7,33%, toàn tỉnh còn 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 7% đến dưới 10%, 21 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 10% đến dưới 15%, 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn đến cuối năm 2014 tại 124 xã là 24,88 triệu đồng. Tổng số lao động trong độ tuổi của 124 xã NTM là 737.377 người. Đến nay, có 43 công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung đang hoạt động, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84,3%, số hộ sử dụng nước sạch đạt theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế 39,4%.

Theo ông Cao Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng NTM, phong trào này đã thật sự đi vào đời sống thực tế của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng NTM ở các cấp được kiện toàn và hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình được xây dựng và cơ bản hoàn thiện. Diện mạo NTM ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Sản xuất định hướng theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết “4 nhà”. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố, cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện.

Năm 2014, tỉnh đã công nhận 4 xã đạt chuẩn NTM gồm xã Châu Bình (Giồng Trôm); Phú Nhuận (TP. Bến Tre); Hữu Định (Châu Thành) và Sơn Định (Chợ Lách). Đến nay, qua khảo sát 124 xã điểm NTM, có 4 xã đạt 19 tiêu chí (TC), 2 xã đạt từ 15 - 18 TC, 38 xã đạt từ 10 - 14 TC, 74 xã đạt từ 5 - 9 TC, 6 xã đạt dưới 5 TC. Bình quân mỗi xã đạt 8,93 TC, tăng bình quân 0,2 TC so với cuối năm 2014. Riêng 5 xã dự kiến công nhận năm 2015 đạt các TC như sau: Phú Thuận: 15 TC, Định Thủy: 14 TC, Tân Thành Bình: 14 TC, Tân Thủy: 13 TC, Đại Điền: 11 TC.

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN