Đại diện Ban khánh tiết và địa phương nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Đình An Hiệp ban đầu được thành lập vào thế kỷ 18, nằm bên bờ sông Hàm Luông đến thế kỷ 19 đình được di dời vào vị trí như ngày nay. Năm 1936, đình được trùng tu xây dựng chánh điện và thường xuyên tu bổ, bảo quản theo thời gian. Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nhân dân trong xã luôn duy trì việc cúng bái với 3 lệ: Ngày rằm tháng tư, ngày rằm tháng chạp và đặc biệt là lễ kỳ yên (ngày 14, 15-6 âm lịch). Người dân trong xã hội tụ về đình chiêm bái Thánh Sắc và cầu nguyện quốc thái dân an. Đây được xem là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, góp phần tạo sự gắn kết trong nhân dân tại địa phương và các nơi.
Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Võ Thanh Tùng cho biết: Châu Thành đã có 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia (Đình Tân Thạch và Đình Tiên Thủy), 3 di tích cấp tỉnh: Khu lưu niệm Trần Văn Ơn (xã Phước Thạnh), sự kiện Chiến thắng Lộ Thơ (xã Thành Triệu) và Đình Giao Hòa (xã Giao Hòa).
Đình An Hiệp là di tích cấp tỉnh thứ tư trên địa bàn huyện. “Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, từng chịu đựng bom đạn, chiến tranh, đình An Hiệp được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa, độc đáo. Đình được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích”, ông Võ Thanh Tùng bày tỏ.
Ttính đến nay, toàn tỉnh có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích Quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh. Các di tích được phân cấp quản lý, trông coi, bảo quản thường xuyên cùng các hoạt động tín ngưỡng, tham quan.
Tin, ảnh: Ánh Nguyệt