
Phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực. Ảnh: C.Trúc
Phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc cho biết, sở đề xuất tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả phương châm “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác”; nâng cao vai trò của DN trong triển khai các phương án phòng chống dịch theo quy định.
Tập trung triển khai các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các kế hoạch tổ chức thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thi công 11 công trình, dự án trọng điểm. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế; thực hiện linh hoạt các chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Xây dựng một số vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ DN liên kết chuỗi giá trị ngành nông sản, thủy sản. Xây dựng hoàn thành Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách. Phát triển ít nhất 500ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Triển khai có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra. Nâng chất các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có.
Phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực. Tập trung dồn sức hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận. Hoàn tất thủ tục thành lập và thu hút đầu tư Khu công nghiệp An Nhơn, thu hút đầu tư và triển khai ít nhất 2 cụm công nghiệp mới. Phấn đấu trong năm 2022, có hơn 140MW điện gió đưa vào khai thác thương mại.
Tích cực tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới để mở rộng thị trường, gia tăng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu. Chú trọng phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống.
Phấn đấu tăng thu rất lớn kể từ năm 2022
“Với sự đoàn kết, quyết tâm đồng lòng, nỗ lực cao nhất và phối hợp chặt chẽ trong toàn ngành tài chính, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Bộ Tài chính, năm 2021, ngành tài chính đã tham mưu UBND tỉnh quản lý, điều hành và cân đối ngân sách đảm bảo đạt được các chỉ tiêu nghị quyết đề ra”, Giám đốc Sở Tài chính Võ Văn Phú cho biết.
Theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, chỉ tiêu thu nội địa giai đoạn 2021 - 2025 đạt 35.550 tỷ đồng, tỷ lệ tăng thu bình quân mỗi năm là 12%. Tuy nhiên, thu nội địa năm 2021 dự kiến so với năm 2020 giảm 4,5% (5.040/5.279), dự toán thu ngân sách nhà nước nội địa năm 2022 đang trình HĐND tỉnh 5 ngàn tỷ đồng, bằng với năm 2021.
Để đạt 35.550 tỷ đồng thì phải phấn đấu tăng thu rất lớn kể từ năm 2022 trở đi. Có thể tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu như: Đẩy nhanh triển khai các dự án đô thị. Tạo điều kiện thuận lợi để các dự án điện gió sớm đi vào hoạt động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách; thường xuyên phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
Mở rộng các loại hình thu, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Khẩn trương thực hiện các thủ tục để bán, thanh lý, hoặc kêu gọi nhà đầu tư đối với nhà đất công không có nhu cầu sử dụng (Sở Công Thương cũ, Bộ đội Biên phòng cũ, Tỉnh đoàn cũ…) tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và bổ sung nguồn vốn về Quỹ phát triển đất của tỉnh để có nguồn lực tài chính kịp thời trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, kêu gọi DN vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Song song đó là các ngành, địa phương chủ động thực hiện sắp xếp lại nhà đất công theo Nghị định số 167/NQ-CP của Chính phủ (64,8%).
Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Tập trung nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận để kêu gọi nhà đầu tư, DN vào hoạt động.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu
“Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch xuất khẩu tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến DN, người dân và các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết như: EVFTA, CPTPP, VKFTA...”. Đó là một số nhiệm vụ của ngành công thương cần tập trung thực hiện trong năm 2022.
Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức, hỗ trợ DN kết nối, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước bằng nhiều nội dung và hình thức (trực tiếp hoặc trực tuyến): Hoạt động kết nối phải kế́t hợp với triển lãm giới thiệu sản phẩm. Trong đó, chú́ trọng kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh; chủ động liên hệ, kết nối với các đối tác, nhà phân phối để hỗ trợ và giới thiệu DN tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, bám sát, theo dõi kết quả sau kết nối để có hướng tiếp tục hỗ trợ DN.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu nhấn mạnh: “Các DN phải tích cực, chủ động nhiều hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại, dành ra một khoản kinh phí cho hoạt động này. Cần đầu tư đúng mức công nghệ thông tin vào ứng dụng thương mại điện tử tại DN. Đồng thời, thực hiện đúng quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Các DN cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của các nước cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu. Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu”.
Cẩm Trúc (ghi)