Nấu ăn tại bếp hậu cần phường Phú Tân, TP. Bến Tre.
Từng suất cơm nghĩa tình
“Chị đi chợ, người ta hỏi mua gì nhiều vậy, chị nói mua nấu cơm cho các chốt trực thì người ta còn bớt tiền và cho thêm nữa em”, chị Võ Thị Ngọc Cẩm, giáo viên Trường Mầm non Sen Hồng, phường Phú Tân, TP. Bến Tre vui vẻ kể. Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, khi đội hình phản ứng nhanh của Đoàn thanh niên triển khai hỗ trợ khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cầu Rạch Miễu cũng là lúc ngôi nhà nhỏ của chị Ngọc Cẩm trở thành không gian bếp hậu cần. Hàng ngày, chị hỗ trợ hơn chục suất cơm 2 buổi cho lực lượng tình nguyện viên Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của Tỉnh Đoàn và Thành Đoàn TP. Bến Tre. Tổ hậu cần, nấu ăn của chị Ngọc Cẩm còn có thêm Trinh, Quyên, Thịnh là những người bạn, người em cùng tham gia hỗ trợ.
Đến nhà chị Ngọc Cẩm vào tầm 10 giờ 30 phút sáng, bắt gặp mọi người chia cơm và thức ăn vào hộp sẵn để “Shipper áo xanh” đến nhận và chuyển lên chốt trực. Món ăn hàng ngày được các chị thay đổi để người ăn không ngán khi có đủ cơm, canh, món xào, món mặn. Nhiều hôm, còn có nước chanh sả, nước trái cây, hoặc món ngọt tráng miệng. Bầu không khí của bếp ăn tất bật và tràn ngập sự chân tình, vun vén chu đáo gửi vào từng suất ăn.
Điều ấm áp của bếp hậu cần chính là ở tấm lòng của nhiều mạnh thường quân gửi gắm đến lực lượng tuyến đầu. Chị Ngọc Cẩm kể: “Khi tham gia nấu ăn cho chốt, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui vì được ban giám hiệu và đồng nghiệp ở các cấp học, nhiều gia đình học trò cũ ủng hộ, góp thêm gạo, trứng, đường, dầu ăn, nước mắm, bịch ớt, bó sả… ai có gì góp đó”. Một số tình nguyện viên không có ca trực cũng sắp xếp thời gian đến phụ bếp hậu cần để chuẩn bị các bữa ăn cho lực lượng.
“Các món ăn của bếp được các bạn tình nguyện viên khen và ăn ngon miệng. Hàng ngày, chúng tôi nhận được nhiều lời động viên của mọi người thì dù ở vai trò nào tôi cũng rất vui vì được làm việc có ích và giúp được cho mọi người”, chị Ngọc Cẩm chia sẻ.
Người dân ủng hộ
Câu chuyện của một bếp hậu cần khác diễn ra ngay tại trụ sở UBND phường Phú Tân, TP. Bến Tre. Từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, một góc sân của trụ sở UBND phường Phú Tân đã trở thành khu bếp dã chiến. Hàng ngày, bếp cung cấp hàng trăm suất ăn cho các chốt trực trên địa bàn phường và lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác hậu cần, hỗ trợ phòng chống dịch. Bản thân Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phú Tân Huỳnh Thị Ngọc Thảo cũng đã “xách ba lô” đóng quân tại trụ sở UBND phường để cùng tham gia công tác phòng chống dịch, tham gia bếp hậu cần.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Thảo cho biết: “Thấy anh em trực chốt làm việc vất vả, chúng tôi bàn nhau triển khai nấu ăn để đảm bảo sức khỏe của lực lượng. Trên địa bàn phường Phú Tân hiện có 7 chốt trực. Ngoài ra, Trung tâm Y tế TP. Bến Tre qua test nhanh cho các đơn vị, cơ sở kinh doanh thì cũng hỗ trợ bữa ăn, hỗ trợ Thành đoàn TP. Bến Tre các suất cơm buổi chiều. Mỗi ngày, bếp nấu 2 buổi trưa và chiều. Mỗi buổi hơn 70 suất cơm, còn ca tối thì làm các món như súp, nui, đồ ăn nhẹ”.
Hoạt động của bếp hậu cần nói riêng và các công tác hỗ trợ phòng chống dịch của phường Phú Tân đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và có sự vào cuộc của người dân trên địa bàn phường. Nhiều đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ đã tham gia hỗ trợ đi chợ và nấu cơm ở bếp. Riêng việc nấu các suất cơm trắng được một mạnh thường quân là người dân trên địa bàn hỗ trợ thực hiện. Mỗi buổi như vậy, người nhận nấu cơm chia sẵn cơm vào hộp, chuyển đến bếp hậu cần. Nhiều mạnh thường quân cũng tham gia hỗ trợ thực phẩm hàng ngày cho bếp.
Chị Lê Thị Trang - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 3, phường Phú Tân là “bếp trưởng” của bếp hậu cần phường Phú Tân vừa làm, vừa vui vẻ bày tỏ: “Mới đầu, tôi tính phụ được ngày nào hay ngày đó nhưng làm rồi thì muốn ngày nào cũng lên làm với các chị em. Mình không góp của thì góp công sức. Các anh em trực chốt ngày đêm quá vất vả. Những bữa cơm ngon sẽ động viên tinh thần anh em làm tốt nhiệm vụ hơn”.
Trong mùa dịch này, chúng ta mới thấy tinh thần đồng lòng, quyết tâm vì cộng đồng. Nhờ vậy, trong khó khăn thì càng thêm gắn bó. Chị Ngọc Thảo kể lại: “Có một người nào đó giấu tên mang lên cho bếp và lực lượng tình nguyện viên những ly nước trà chanh, trên ly còn ghi những dòng chữ “Cố lên! Quyết thắng!”, dễ thương quá. Thấy ly nước, các chị em càng lên tinh thần, thấy khỏe lại và hăng hái hơn. Người dân nghĩa tình, có trái đu đủ, bó rau cũng đem lên gửi cho bếp, được mọi người ủng hộ thì lực lượng càng thêm quyết tâm, cố gắng”.
Bài, ảnh: Thanh Đồng