Diễn viên của Đoàn Ca múa xưa và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp mặt.
Dành cho nghệ thuật
Nhắc lại lịch sử ra đời của Đoàn Ca múa Bến Tre, nhạc sĩ Lan Phong - nguyên Quyền Trưởng đoàn bùi ngùi nhớ về những ngày tháng không quên ấy. Ông nói: Xuất phát từ Đoàn Văn công Giải phóng, tháng 6-1978, vì yêu cầu phát triển, đoàn được UBND tỉnh ra quyết định tách thành hai đơn vị chuyên nghiệp: Đoàn Ca múa Bến Tre và Đoàn Cải lương Bến Tre. Cả hai đoàn như hai đứa con song sinh được lãnh đạo tỉnh và ngành văn hóa - thông tin bấy giờ chăm lo, nhất là trong những năm tháng khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp. Lực lượng diễn viên phần đông là lớp trẻ, học sinh có năng khiếu được bổ sung theo yêu cầu chuyên môn. Các anh chị em trong kháng chiến đã rèn luyện, hướng dẫn đội ngũ mới, song song với việc mở các lớp bồi dưỡng ca múa tại chỗ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng cho hoạt động của đoàn, biểu diễn phục vụ cho bà con khắp nơi trong tỉnh.
Từ quá trình hoạt động của đoàn, nổi bật lên điều đáng quý để lưu dạy đời sau chính là cái tâm hết lòng vì nghệ thuật của những con người thời ấy. Bởi, dù hoàn cảnh có nhiều thiếu thốn nhưng các diễn viên Đoàn Ca múa vẫn hết lòng cống hiến, dàn dựng, biểu diễn, sáng tác phục vụ đời sống tinh thần cho đông đảo quần chúng nhân dân. Nghệ nhân, soạn giả Minh Lời kể: “Tôi còn nhớ, khoảng năm 1980, Đoàn Ca múa chúng tôi có nhiệm vụ đến biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Phú, phải ngồi đò suốt từ cuối buổi sáng đến chiều tối mới đến nơi. Trên đò, tôi đã sáng tác bài ca cổ “Thạnh Phú đất quê tôi” để đoàn đem phục vụ bà con tại đây. Đoàn cũng đã có những chuyến đi biểu diễn xa như năm 1989, đoàn đã đi lưu diễn phục vụ các tỉnh phía Bắc liên tục suốt 8 tháng trời. Những chuyến đi đó đã giúp cho tôi tích lũy nhiều kiến thức và vốn sống cần thiết cho việc sáng tác của mình.
Không chỉ biểu diễn, nhiều thành viên của Đoàn Ca múa đã sáng tác nhiều bài hát có sức sống đến tận hôm nay, như các bài: “Tiểu đoàn 516”, “Cô du kích vùng ven”… cùng với những tên tuổi diễn viên, nhạc công của đoàn đã đi vào lòng khán giả mộ điệu ngày ấy như: Xuân Hòa, Quốc Nam, Lan Phong, Huỳnh Mai, Huyền Nhi, Vĩnh Xuân, Đoàn Hùng, Huỳnh Hiệp, Kim Phượng, Kim Hồng, Kim Xuyến… Năm 2012, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre, đoàn đã được Tỉnh ủy trao tặng bức trướng “Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre vượt qua mưa bom lửa đạn, chắc tay súng, vững tay đàn” để ghi nhận sự hy sinh, đóng góp của Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre - tiền thân của Đoàn Ca múa Bến Tre và Đoàn Cải lương Bến Tre. Về sau, khi đoàn không còn hoạt động nhưng nhiều diễn viên của đoàn vẫn tiếp tục tham gia làm việc ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà đến khi về hưu.
Nghĩa tình sâu nặng
Những diễn viên của Đoàn Ca múa ngày ấy nay đều đã ở tuổi ngoài 60 nhưng tinh thần vẫn rất tươi trẻ, lạc quan, từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh hội tụ về họp mặt. “Hôm nay, có giây phút gặp gỡ này, chúng ta cũng không thể quên những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh trước ngày giải phóng. Đó là những đồng đội thân thương đã sống hết lòng vì nghệ thuật. Với diễn viên của Đoàn Ca múa, phần đông hiện nay các anh chị em đều đã cao tuổi nhưng vẫn còn say mê ca hát, tiếp tục tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương, tiếp tục lan truyền niềm say mê ấy đến các lớp con cháu kế thừa. Đây là điều rất đáng quý”, nhạc sĩ Lan Phong bày tỏ.
Cũng mang nhiều cảm xúc bồi hồi khi gặp lại những người đồng nghiệp cũ, ông Lý Tấn Phương - từng là diễn viên của đoàn xúc động nói: “Đã mấy mươi năm nhưng anh chị em trong đoàn vẫn gìn giữ được tình cảm thân thương như thế này, cùng tề tựu về đông đủ là một điều rất đáng quý. Tôi mong muốn làm sao mỗi năm đều có thể tổ chức được buổi họp mặt như thế này để các anh chị em gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống. Đồng thời qua đó, giáo dục cho các thế hệ con cháu về việc gìn giữ những tình cảm đồng chí, đồng đội tốt đẹp như thế”.
Trong buổi họp mặt, có cả những người trẻ - thế hệ kế thừa đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như một sự tiếp nối những điều ý nghĩa từ thế hệ đi trước. Con đường đưa văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà phát triển trong giai đoạn mới sẽ có những thuận lợi và thách thức riêng, đòi hỏi người làm công tác quản lý hay hoạt động lĩnh vực này phải có nhiều cố gắng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong bày tỏ: “Chúng tôi cũng ý thức được rằng, trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa trong giai đoạn hiện nay là hết sức nặng nề. Đó là trọng trách nhưng cũng tự hào để nối tiếp truyền thống quý báu của cha anh, cô chú đã để lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để nối tiếp thành quả của thế hệ đi trước trong phát triển văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà”.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt