Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật

13/05/2020 - 21:49

BDK.VN - Ngày 13-5-2020, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre Trần Thị Thanh Lam đã chủ trì hội ý lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi).

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị. 

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có 10 chương, 219 điều luật. Đại biểu thảo luận các vấn đề về: Phạm vi điều chỉnh của Luật, thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp (DN), DN nhà nước, quyền của cổ đông phổ thông, chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng…

Đại biểu cho rằng, không đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật, vì trên thực tế có nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành DN nên cần có quy định riêng. Điều 16 của dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu cho rằng: Cần quy định rõ các ngành nghề bị cấm để tạo thuận lợi trong công tác quản lý DN. Tại Điều 19, Chương II của dự thảo, Luật cần quy định việc DN phải kê khai về trụ sở chính (kể cả trụ sở phụ) của DN, để tránh trường hợp thành lập DN “ma” thực hiện các hành vi lừa đảo.

Về con dấu của DN, đa số đại biểu thống nhất với ý kiến đề nghị duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như Luật hiện hành để phù hợp với đặc điểm tình hình nước ta như hiện nay…

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có 7 chương với 81 điều luật. Đại biểu thảo luận các nội dung liên quan về: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; chính sách về đầu tư kinh doanh; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư…

Đại biểu quan tâm, thảo luận sâu quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 dự thảo Luật). Đa số các đại biểu đề nghị, quy định kinh doanh, dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vì thực tế có nhiều dịch vụ đòi nợ đã có những hành vi gây mất an ninh trật tự, dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Hơn nữa, mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ đã có luật chuyên ngành điều chỉnh. Ngoài ra, đại biểu góp ý một số vần đề về câu, từ ngữ của dự thảo Luật sửa đổi.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Trần Thị Thanh Lam cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu. Trên cơ sở này, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tin, ảnh: H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN