|
Một buổi biểu diễn của ban nhạc Ba thế hệ. Ảnh: A.NG |
Một thế hệ thầy giáo tóc đã ngã màu bụi phấn, một thế hệ “đưa đò” tiếp theo cũng đã tứ tuần và một thế hệ trẻ đang căng đầy sức sống - ba thế hệ con người ghép lại cùng hòa tấu một bản nhạc, mà trong ấy, nhạc cụ đều là những cây đàn cổ xưa.
Tiếng ghi-ta tha thiết bổng trầm, hòa cùng giai điệu đàn măng-đô-lin réo rắt, xen lẫn tiếng gõ nhịp nhàng, bài bản… đã làm nên những cung bậc âm thanh độc đáo, vui tai và đong đầy tình cảm - đó là cảm nhận chung của những người đã từng xem ban nhạc Ba thế hệ biểu diễn. Một ban nhạc ra đời vì mục đích duy nhất: trình diễn những giai điệu từ những cây đàn và nhạc cụ mà từ lâu, loại nhạc cụ ấy gần như đã bị lãng quên.
Người có ý tưởng đầu tiên sáng lập ban nhạc ấy là một cựu giáo viên Pháp văn và âm nhạc của Trường THCS Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) - thầy giáo Nguyễn Duy Trảng. Thầy hiện là ủy viên thường trực Hội Khuyến học, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Thạnh và cũng là một trong những mạnh thường quân từng giúp đỡ các em học sinh nghèo của xã. Đề cập đến xuất xứ của ban nhạc, thầy Trảng cho biết: Sau quá trình “thai nghén” hơn 2 năm, ban nhạc đã được ra mắt vào ngày 25-5-2008 tại Trường THCS Mỹ Thạnh, đó là ngày tổng kết năm học. Vì sao thầy lại có ý tưởng thành lập ban nhạc?. Thầy Trảng - Trưởng ban nhạc bộc bạch: “Tôi thấy bây giờ các bạn trẻ thường hay chơi những nhạc cụ điện tử quá nhiều, có thêm nhạc hip - hop, nhạc trẻ… nhưng lại “vắng bóng” hình ảnh của những cây đàn dây như thuở còn trẻ chúng tôi vẫn thường chơi. Tôi bắt đầu “manh nha” ý tưởng muốn lập một ban nhạc đàn dây, trong đó, chủ yếu sử dụng hai loại nhạc cụ truyền thống là ghi-ta và măng-đô-lin, nhằm “hâm nóng” những giai điệu truyền thống, mà theo tôi, nó phải cần được gìn giữ”.
Nghĩ rồi bắt tay vào việc, cùng họa sĩ Lê Dân (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu), nhạc sĩ Võ Trung Lưu (giáo viên của Trường Châu Hòa) là những người cùng ý tưởng thành lập ban nhạc đàn dây truyền thống với mình. Thầy Trảng đã lập kế hoạch tập hợp thêm một số người bạn “cùng chí hướng” và chọn một số em học sinh có năng khiếu để gọi vào ban nhạc. Ban nhạc hình thành là có sự trợ giúp của Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Thạnh, với mục đích phục vụ cho địa phương mỗi khi có lễ hội. Điều đặc biệt, 10 thành viên ban nhạc lại thuộc 3 thế hệ khác nhau, nhưng có cùng một niềm yêu thích, chơi những cây đàn truyền thống. Thế hệ đầu tiên mà các thầy gọi vui là “thế hệ U70” đều là những giáo viên hưu trí, thế hệ thứ hai là những học trò kế tiếp của thế hệ 1- một số giáo viên đang giảng dạy (âm nhạc) của Trường THCS Mỹ Thạnh cũng thuộc hàng “U40”, và thế hệ thứ ba là các em học sinh thuộc “U20” hiện đang theo học ở các trường THPT: Chuyên, Nguyễn Đình Chiểu… (đều là cựu học sinh THCS Mỹ Thạnh). Các thành viên trong ban nhạc tuy học tập, làm việc ở nhiều nơi (trong tỉnh) nhưng mỗi chủ nhật lại cùng nhau họp mặt để tập luyện (mỗi tháng từ 2-3 lần) trong không khí vui tươi và rất thân tình. Em Nguyễn Mai Thi, học sinh lớp 11/6 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là một trong những thành viên thuộc thế hệ thứ ba trong ban nhạc bộc bạch: “Em biết chơi các loại đàn này từ năm học lớp 9. Khi được thầy cho vào tham gia cùng ban nhạc, em rất vui và rất thích. Dù không có nhiều thời gian, nhưng em vẫn tranh thủ sắp xếp để về tập luyện và tham gia lưu diễn”.
Với những bài hòa tấu thuộc dòng nhạc kháng chiến (Đời sống mới, Lên đàng..) và những bản nhạc nước ngoài (Đô-mi-nô, La-Cumsita… của Pháp), sau khi ra đời, ban nhạc đã nhiều lần tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, kỷ niệm… tại Trường THCS Mỹ Thạnh, ở huyện Giồng Trôm và ở tỉnh (trong đại hội Hội Khuyến học tỉnh nhiệm kỳ 2009-2014). Và sắp tới, vào khoảng cuối tháng 4-2010, tại khu du lịch Lan Vương, dưới sự hỗ trợ của Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, ban nhạc sẽ được tổ chức một đêm biểu diễn văn nghệ về đàn dây nhằm giới thiệu rộng rãi những loại nhạc cụ này. Đa số những người đã từng được thưởng thức qua phần trình diễn của ban nhạc - nhất là những khán thính giả có tuổi - thì hầu hết đều đánh giá cao tính nghệ thuật độc đáo của ban nhạc. Có một số người e ngại về việc phổ biến rộng rãi các loại nhạc cụ này liệu có khó quá không? Trưởng ban nhạc cho rằng: “Không khó. Vì các loại đàn này không quá đắt tiền (chỉ khoảng 500 ngàn đồng là có được một cây ghi-ta hay măng-đô-lin), thứ hai, nó cũng khá dễ sử dụng và một tiện lợi nữa là các loại đàn này có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần… có điện.
“Hầu hết, các chương trình do ban nhạc biểu diễn, phục vụ đều xuất phát từ tình yêu âm nhạc truyền thống của các thành viên trong ban nhạc, và nhằm để đem đến không khí vui tươi, sinh động cho các buổi lễ hội của địa phương”- Thầy Nguyễn Duy Trảng nói. Ban nhạc với ba thế hệ thầy giáo và học trò cùng chung một tình yêu âm nhạc truyền thống, cùng chơi những nhạc cụ truyền thống đã tạo nên một hình ảnh đầy xúc cảm cho người xem, mà ở đó, nét đẹp về tình cảm thầy trò cũng là một điểm nhấn như nốt nhạc đầy ý nghĩa.