Đọc sách cùng trẻ

11/04/2019 - 19:52

Trong bối cảnh không gian mạng xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, người lớn chúng ta thường lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con trẻ. Người lớn liền hô hào con trẻ hãy chăm chỉ siêng năng đọc sách, bởi sách là người bạn mang lại nhiều kiến thức giá trị. Và hơn hết, sách thường có vẻ an toàn hơn, vì có sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn từ các đơn vị quản lý. Tuy vậy, sau lời khuyên nhủ, người lớn thường quá bận rộn để có thể đọc sách cùng con trẻ. Nhưng kỳ thực, đọc sách cùng con, có khó đến vậy?

Làm việc gì, con trẻ cùng cần có sự đồng hành của người lớn. Việc đọc sách cũng không ngoại lệ. Nhiều bậc phụ huynh thường có đôi chút hiểu lầm về việc đọc sách cùng con. Đâu đó có phụ huynh than phiền không có nhiều thời gian để đọc sách cùng con. Tuy nhiên, đọc sách cùng con không nhất thiết phải ngồi với con đọc toàn bộ quyển sách. Bản thân của hành động đọc cần sự tĩnh lặng và sự cảm nhận độc lập về ngôn từ. Hãy để trẻ làm bạn cùng chữ nghĩa. Đọc sách cùng con cần được hiểu rộng hơn là hướng dẫn con cách đọc, cùng trao đổi, thảo luận với con những tình tiết, chi tiết, những ý tưởng, kiến thức có trong quyển sách mà con trẻ đang đọc. Từ những chia sẻ này, con trẻ sẽ từng bước khám phá thêm những tầng nghĩa sâu của chữ nghĩa, những ẩn dụ của nội dung mà sách đề cập. Người lớn cũng cần liên hệ những kiến thức từ sách với những câu chuyện thực tế, những ví dụ gần gũi xung quanh.

Bên cạnh đó, người lớn hãy cùng con trẻ chuyển hóa những kiến thức có được từ sách thành những ứng dụng thực tiễn, để con trẻ cảm nhận rõ hơn giá trị mà sách mang lại. Hãy hướng dẫn và tập cho trẻ viết những bài ngắn cảm nhận về sách, ấn tượng về sách. Hoặc cùng nhau thực hành, áp dụng những ý tưởng có trong sách vào các sinh hoạt học tập, công việc, giải trí hàng ngày.

Đôi khi, con trẻ cũng sẽ bày tỏ sự khó hiểu, hoặc phát biểu ý nghĩ phản biện về một điều gì đó có trong cuốn sách mà trẻ đang đọc. Thật tốt nếu tình huống đó xảy ra. Vì nó cho thấy trẻ có ý thức tiếp nhận một cách chủ động, một cách có tư duy về những gì trẻ đọc. Lúc này, người lớn hãy khuyến khích con trẻ nói lên suy nghĩ của mình. Lắng nghe tích cực những phản biện của con trẻ là điều phụ huynh cần thực hiện. Sau đó, tùy vào tính chất đúng sai của sự phản biện, người lớn chúng ta có thể đưa ra những khuyến nghị phù hợp. Đừng dập tắt suy nghĩ của trẻ cho dù đó là phản biện chưa thỏa đáng. Hãy khéo léo dẫn dắt trẻ hiểu đúng bản chất của kiến thức. Nâng cao tinh thần phản biện khi đọc sách của trẻ.

Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn Hiến)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN