
Ngày hội sách thu hút đông đảo người xem. Ảnh: Thanh Đồng
Thói quen đọc sách ngày nay
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về văn hóa đọc, ông Phan Công Nhạn ở Ấp 3, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre, một bạn đọc lâu năm của Thư viện tỉnh cho biết: “Sách mang đến cho tôi nguồn kiến thức, hiểu biết về xã hội và cuộc sống. Dù đã lớn tuổi, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách hằng ngày và đọc đa dạng các thể loại sách để có kiến thức phong phú”.
Hay đối với chị Lê Triều Dương - nhân viên văn phòng (ở phường Phú Khương, TP. Bến Tre) chia sẻ: “Ngày nay, phương tiện giải trí phong phú nhưng với tôi, sách vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Mỗi ngày, sau công việc cơ quan, gia đình, tôi dành cho mình một ít thời gian đọc vài trang sách, như một cách thư giãn có ích”.
Cùng với sách giấy, hình thức sách điện tử ngày nay cũng đang phổ biến đối với cộng đồng. Thay vì cầm sách đọc, nhiều người cũng đã lựa chọn trả tiền để mua sách dưới dạng bản điện tử. Như vậy, chỉ cần một thiết bị thông minh như điện thoại, ipad, laptop có kết nối internet, mọi người có thể đọc ở mọi nơi, mọi lúc, được đọc nhiều loại sách hơn. Đã có lúc, người ta so sánh tính tiện lợi của sách giấy so với sách điện tử và e ngại sách giấy bị “thất thế” trước công nghệ. Mặc dù vậy, sách giấy vẫn luôn có vị trí nhất định trong lòng bạn đọc. Thời gian gần đây, sách giấy ngày càng phong phú về thể loại, đẹp về hình thức trình bày, cách quảng bá, truyền thông mạnh mẽ càng đưa sách đến gần với mọi người hơn.
Em Cao Thanh Phương - học sinh lớp 10 Hóa, Trường THPT Chuyên Bến Tre cho biết, mặc dù có thói quen tra cứu thông tin trên internet để phục vụ việc học được nhanh hơn, dễ dàng hơn nhưng với em, sách giấy vẫn có giá trị nhất định, thông tin trên sách giấy mang tính chính thống hơn. Một bạn đọc cho biết, có nhiều người thích đọc sách giấy hơn, họ thích được lật trang giấy, nếu không hiểu chỗ nào thì có thể lật lại các trang trước để nghiền ngẫm.
Vấn đề được đặt ra là làm sao để khi đọc sách tiếp thu được những kiến thức trong sách? Hơn thế là đọc xong phải biến những gì đã đọc thành những điều có ích cho bản thân, cho cuộc sống, cho mọi người.
Rèn luyện kỹ năng đọc sách hiệu quả
Chị Kiều Hải Hồng - cán bộ Phòng mượn, Thư viện tỉnh nêu ý kiến: “Có nhiều yếu tố tác động văn hóa đọc; trong đó, có giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội. Nếu trong nhà có người đọc sách sẽ tạo thành truyền thống đọc. Trong nhà trường, nếu thầy cô cho đề bài để các em tự tổng hợp phân tích vấn đề sẽ thúc đẩy các em tìm đến sách thì đó cũng là cách để tác động đến văn hóa đọc”.
Nói về thói quen đọc sách trong học sinh, sinh viên, thanh niên, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thẩm - Trường Cao đẳng Bến Tre cũng nhận xét, cách học đối phó trước kỳ thi đã làm cho nhiều học sinh, sinh viên trở nên thụ động trong việc đọc sách để tự học, tự nghiên cứu. Từ đó, nhiều em không có thói quen đọc sách.
Văn hóa đọc còn bao gồm sự lựa chọn sách của người đọc, lựa chọn như thế nào để có ích cho mình. Nhằm giúp bạn đọc có sự lựa chọn phù hợp, ở vai trò là một cán bộ thư viện, chị Kiều Hải Hồng cho biết: “Mỗi người cần có sự chọn lựa sách để đọc sao cho mang lại những lợi ích cho mình. Sự chọn lựa đó xuất phát từ nhu cầu cá nhân, có thể được định hướng, hỗ trợ từ người khác như: cha mẹ giúp con chọn sách; thầy cô giáo định hướng, giới thiệu sách cho học sinh, sinh viên… Tại thư viện, người thủ thư sẽ giới thiệu cho bạn đọc tên sách phù hợp với nhu cầu, phù hợp với lứa tuổi”.
Hiện nay, sách được xuất bản phong phú nhưng trước bao la sách đủ các thể loại, việc chọn đọc sách gì, đọc như thế nào để thật sự hữu ích cũng là vấn đề cần được quan tâm. Thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa - Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ, để lựa chọn sách cho phù hợp, trước tiên có thể dựa vào nhà xuất bản, từng nhà xuất bản xuất bản các sách theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Ví dụ, sách về kỹ năng, lối sống thì Nhà xuất bản Trẻ thường xuất bản sách chuyên về trang bị kỹ năng, lối sống; Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên về các sách dành cho thiếu nhi; sách về văn hóa thường là thế mạnh của Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh; sách về kinh tế có thể tìm đến các nhà xuất bản thuộc các trường đại học như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh... Sau đó, bạn đọc có thể tìm kiếm các tác giả uy tín chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực để lựa chọn sách cho phù hợp, thông tin, nội dung sách có sự tin cậy hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thẩm cho biết, riêng về cách đọc sách để phục vụ việc học ở trường và việc đọc có hiệu quả, học sinh, sinh viên cần lựa chọn vấn đề cần đọc và biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân mình. Tiếp theo, trong quá trình đọc cần có sự hệ thống, cần thiết ghi chép lại những thông tin hay, hoặc những điểm mới phát hiện để trao đổi, thảo luận với người khác. Quan trọng hơn đó là biết vận dụng những nội dung đã đọc vào thực tiễn.
Bài, ảnh: Thanh Đồng