Đội Công tác xã hội tình nguyện: Điểm tựa của những mảnh đời lạc lối

23/05/2018 - 07:26

BDK - Toàn tỉnh hiện có 26 xã, phường, thị trấn thành lập đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) với gần 200 tình nguyện viên. Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, đội CTXHTN đã trở thành điểm tựa của người nghiện ma túy, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui lớn nhất của anh Ngô Quang Ân và các tình nguyện viên là giúp người nghiện cai nghiện thành công và có việc làm ổn định.

Niềm vui lớn nhất của anh Ngô Quang Ân và các tình nguyện viên là giúp người nghiện cai nghiện thành công và có việc làm ổn định.

Kiên trì vận động, giúp đỡ

Là người có thâm niên trong công tác xã hội như tổ tưởng tổ nhân dân tự quản, trưởng khu phố, anh Ngô Quang Ân ngụ Phường 6, TP. Bến Tre hiểu rõ tác hại của ma túy đối với sức khỏe của người nghiện và nỗi đau buồn của gia đình có người thân nghiện ma túy. Với mong muốn góp phần làm sạch tệ nạn trên địa bàn, anh Ân đã tình nguyện tham gia Đội CTXHTN Phường 6 và được giao giữ nhiệm vụ đội trưởng. Đội CTXHTN Phường 6 được thành lập năm 2015, hiện có 9 tình nguyện viên, đội đã và đang theo dõi, quản lý 69 đối tượng, anh Ân cũng là người truyền lửa đến cho các tình nguyện viên còn lại trong đội.

Em P.D.K, 20 tuổi, ngụ Phường 6 là 1 trong 4 trường hợp cai nghiện tự nguyện thành công và không tái nghiện, có thu nhập ổn định với nghề thợ sắt. K. tâm sự: “Lúc nghiện, có khi hai ngày em không ngủ, không ăn uống gì, chỉ trong vòng 1 tháng em sụt đến 15kg, không lao động nổi. Nhờ bác Ân đến nhà vận động mà em có cơ hội biết và đi cai nghiện tự nguyện ở cơ sở cai nghiện ma túy, đi trong đợt vận động nên em không phải đóng phí. Sau 2 tháng em đã cai nghiện thành công, sức khỏe tốt, em rất vui vì mình đã lựa chọn đúng, thà em đi 2 tháng còn hơn sau này bị đi bắt buộc đến 2 năm. Bây giờ, em ăn uống thấy ngon và em đã lập gia đình”.

Được biết, tỷ lệ cai nghiện thành công và không tái nghiện từ năm 2015 đến nay ở Phường 6 đạt khoảng 5,7% (4/69 trường hợp). Đánh giá được tính chất vất vả và phức tạp của công việc tư vấn, tham vấn, theo dõi, quản lý đối tượng nghiện ma túy, người đội trưởng Ân tâm sự: “Tuy công việc không hề đơn giản nhưng niềm vui của tôi và anh em trong đội là giúp đỡ được một người nghiện đi cai nghiện tự nguyện, hoặc giới thiệu việc làm, vận động họ đi làm, có việc làm ổn định, không tái nghiện”. Theo lời kể của các tình nguyện viên, những người khi đi cai nghiện về họ thường mặc cảm, buồn vì xã hội kỳ thị, do đó rất khó hòa nhập, khó kiếm việc làm ổn định dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao. Do đó, người làm công tác tình nguyện phải thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở, hỏi thăm người đã cai nghiện để lắng nghe và hiểu được họ cần gì, đang gặp vấn đề gì và giúp đỡ, tháo gỡ.

Anh Ngô Quang Ân cho biết: “Rất khó để gặp được đối tượng, họ thường xuyên vắng nhà, chúng tôi gặp họ ở đâu thì rủ cà phê ngay, hoặc đến nhà thăm nom. Hiện người đã cai nghiện rất cần nguồn vốn để làm ăn, mua bán nhỏ từ 10 - 15 triệu đồng, tuy nhiên họ rất khó tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Quỹ CEP đang mạnh dạn cho vay đối với đối tượng người đã cai nghiện nhưng chỉ khoảng 3 - 5 triệu đồng. Việc gặp gỡ và đối thoại với gia đình đối tượng, đặc biệt là người nghiện cần phải có kỹ năng, qua những cuộc tập huấn của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm để giao tiếp, ứng xử và tiếp xúc”.

Góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội

Trao đổi với ông Võ Công Nhân - Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, toàn tỉnh hiện có 26 xã, phường, thị trấn thành lập đội CTXHTN với gần 200 tình nguyện viên. Năm 2017, tỉnh có 2.707 người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Tổng số đối tượng quản lý của các đội được phân công theo dõi hỗ trợ 533 đối tượng. Trong đó, có 50 người cai nghiện bắt buộc; 99 người tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng; giáo dục tại địa phương theo Nghị định số 111/NĐ-CP là 167 người; có 47 người bị nhiễm HIV/AIDS; 61 người tham gia cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone...

Nhiệm vụ của đội CTXHTN là thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán người; tư vấn, tham vấn, quản lý trường hợp; phối hợp, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, phát hiện hành vi vi phạm.

Năm 2017, nhiều đội CTXHTN đã giúp đỡ nhiều đối tượng tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin của xã, giới thiệu việc làm và giúp cho nhiều trường hợp tiếp cận nguồn vốn vay để làm ăn, mua bán nhỏ như đội CTXHTN xã Lương Quới , xã Tân Thanh (Giồng Trôm), xã Tam Phước (Châu Thành), thị trấn Thạnh Phú, phường Phú Khương, Phường 6, Phường 4, Phường 3 (TP. Bến Tre)… Hoạt động của Đội CTXHTN đã góp phần làm giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn, giúp cho người nghiện trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh và hạnh phúc bên người thân của mình.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN