Hướng đến nông nghiệp 4.0, bài 2:

Đổi mới công nghệ chế biến hàng nông sản

17/07/2019 - 07:12

BDK - Để khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng 4.0, tỉnh xây dựng nhiều chương trình, dự án, tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là khâu hình thành chuỗi, xây dựng các tiêu chuẩn đến chế biến.

Ứng dụng công nghệ cao vào chế biến các sản phẩm từ dừa tại Betrimex.

Ứng dụng công nghệ cao vào chế biến các sản phẩm từ dừa tại Betrimex.

Từ xây dựng chuỗi giá trị

Theo bà Trần Thị Thu Nga - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng nông ngư nghiệp Việt Nam (FACOD), Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh, nông nghiệp 4.0 là sự phát triển diễn ra đồng thời với phát triển của thế giới về công nghệ 4.0. Như vậy, chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ 4.0. Chuỗi là một loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh có quan hệ với nhau, từ khâu cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến. Ứng dụng khoa học - công nghệ (KH&CN) vào các khâu trong chuỗi sẽ giúp gia tăng giá trị của chuỗi.

Hiện nay, tỉnh tập trung xây dựng chuỗi giá trị cho 8 sản phẩm chủ lực. Các chuỗi đã được hình thành và đang có những kết quả bước đầu, làm nền tảng quan trọng để quản trị, đầu tư tài chính, tiến đến nông nghiệp thông minh thời kỳ 4.0. Tư duy sản xuất của nông dân cần thay đổi trong thời kỳ nông nghiệp 4.0 là xác định rõ sản xuất để bán cho ai, theo nguyên tắc sản xuất theo yêu cầu thị trường.

Theo TS. Nguyễn Đình Uyên - Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, công nghệ 4.0 hiện nay không mới. Tuy nhiên, công nghệ này ngày càng được vận dụng vào sản xuất nông nghiệp mỗi ngày, đặc biệt là trồng trọt cần vận dụng, cải tiến đó phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Công nghệ 4.0 giúp nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, phù hợp với nông nghiệp tỉnh Bến Tre, nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Khắc Hân - Giám đốc Ban Quản lý Dự án AMD Bến Tre cho biết, hướng tới, cùng với hỗ trợ nông dân thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, AMD Bến Tre sẽ hỗ trợ kinh phí các tổ, hợp tác xã đầu tư ứng dụng công nghệ vào các khâu trồng trọt, chế biến, xây dựng thương hiệu nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đến tập trung chế biến sâu

Hiện nay, lĩnh vực chế biến hàng nông sản được các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư, nổi bật nhất là ngành chế biến dừa. Bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long cho biết: “Công ty phải luôn nghiên cứu cho ra thị trường các dòng sản phẩm mới liên tục. Trung bình mỗi năm, công ty nghiên cứu cho ra đời 1 sản phẩm KH&CN. Cùng các dòng sản phẩm chủ lực là mặt nạ dừa, hiện công ty còn có trên 20 sản phẩm khác. Từ sản xuất thủ công, chỉ trong 2 năm, công ty đã chuyển đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất khép kín với mức đầu tư 5 tỷ đồng.

Các DN chủ lực ngành dừa cũng đã đa dạng hóa sản phẩm bằng việc áp dụng dây chuyền hiện đại UHT trực tiếp từ Tập đoàn Tetra Pak để sản xuất nước dừa, sữa dừa hay dùng công nghệ ép lạnh, ly tâm lạnh của Thái Lan và Thụy Điển để sản xuất dầu dừa, nước cốt dừa. Ông Lê Văn Thịnh - Giám đốc Khối Kinh doanh Công ty Betrimex cho biết, hiện nay, các sản phẩm chính của Betrimex là nước dừa đóng hộp, sữa dừa dinh dưỡng đóng hộp, bột sữa dừa đóng hộp có mặt tại trên 40 quốc gia.

Với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, sản phẩm chính là cơm dừa nạo sấy trước đây đã nỗ lực chạy đua với công nghệ sản xuất tiên tiến để cho ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng, thâm nhập được các thị trường khó tính với mức bao phủ sản phẩm trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. “DN phải đầu tư chế biến theo chiều sâu nếu muốn tồn tại và có sự tăng trưởng tốt”, ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty chia sẻ.

Đẩy mạnh đổi mới công nghệ

Theo ông Huỳnh Cao Thọ - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN, đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, qua kết quả tiến hành “Đánh giá trình độ công nghệ của các ngành chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre” đối với 34 DN ngẫu nhiên cho thấy, chỉ có 2/34 DN ngành chế biến dừa có trình độ công nghệ trung bình tiên tiến, 30/34 DN đạt trình độ công nghệ trung bình, 2/34 DN trình độ công nghệ lạc hậu. Đối với 9 DN chế biến thủy sản đạt trình độ trung bình. 

Giải pháp thời gian tới, Sở KH&CN định hướng thúc đẩy, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, chỉ tiêu về chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ đến năm 2020 đạt 20%. Điều này đòi hỏi hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ tập trung vào đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bến Tre đến năm 2020; Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 - 2020.

“Sở KH&CN tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ từ nguồn Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh; đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ trên cơ sở hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cung, kích thích cầu và liên kết cung - cầu công nghệ; đồng thời hỗ trợ kinh phí đào tạo, xây dựng, đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản trị chất lượng theo ISO 9001, HACCP, SA8000, GMP… và bảo vệ môi trường theo ISO 14001, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường” - ông Huỳnh Cao Thọ cho hay.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích