Đọc thơ anh, ta bắt gặp một đội quân tóc dài trữ tình mà quật khởi; bình dị mà anh hùng, duyên dáng - thủy chung mà bất khuất - hiên ngang. Họ hội đủ những phẩm chất tinh túy của dân tộc, của giới tính và thời đại. Họ là những bà mẹ, những người chị, những thiếu nữ… với những công việc khác nhau, đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến, xứng tầm tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; xứng với uy danh “Đội quân tóc dài” từng làm khuynh đảo cả chiến trường Tây Nam bộ. Những bài thơ viết về nữ anh hùng đều được kết cấu dưới dạng kể chuyện và nhờ có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, giữa hiện thực đời sống với hiện thực tâm trạng nên những câu chuyện tưởng như khô khan mà lại có sức hấp dẫn riêng.
Đó là người mẹ trồng bông ở nghĩa trang An Thới (Mỏ Cày Nam), mẹ âm thầm làm đẹp nơi yên nghỉ cho các anh hùng liệt sĩ: “Nghĩa trang chính là lòng mẹ / Nơi anh hùng yên nghỉ có mùi hương”. Đó còn là bà mẹ ở bên sông Hàm Luông trọn cuộc đời sống vì cách mạng. Mẹ mưu trí, gan góc, đào hầm dưới bàn thờ nuôi giấu cán bộ. Mẹ yên nghỉ mà trên mộ mẹ vẫn đầy bông trang và kể từ đó:
Sông Hàm Luông ca hát sớm chiều
Hát rằng: hỡi mẹ kính yêu
Cuộc đời mẹ đẹp như màu bông trang.
(Bông trang đỏ)
Một hình ảnh khác cũng rất đẹp, hình ảnh em gái đưa đò trên sông An Hóa, em đưa người đi biểu tình qua sông. Để che mắt giặc, em mặc sẵn trong mình sáu lớp áo, một lớp một màu; mỗi lần qua sông, em thay một màu áo: “Áo em như có phép tiên/ Đò qua mấy chuyến áo em mấy màu”. Bằng cách ấy, kẻ thù không tài nào phát hiện được em. Đúng là một thế trận lòng dân “thiên la địa võng”, phát huy tối đa tài trí trong nhân dân.
Hoặc như Út Tiết - cô xã đội tuổi mười tám, đôi mươi tràn đầy sức sống, trong dáng dấp của một thôn nữ Bến Tre: “Dịu dàng dáng áo bà ba/ Khăn rằn gió phất, tóc xoà ngang vai”; mới ngày nào còn là cô bé sợ bóng đêm: “Nghe ca-nông nổ bịt tai trong hầm” mà nay đã trở thành cô xã đội tay không lấy bót, lấy đồn, khiến: “Nghe tên em, giặc khiếp kinh trăm thằng”.
Nhà thơ cũng tỏ lòng ngưỡng mộ và xúc động trước hình ảnh một cô giáo nhiệt tình, tận tụy với sự nghiệp trồng người. Ngoài những buổi lên lớp, cô cùng học trò bó lá dừa làm đuốc cho bộ đội qua sông. Cô hy sinh khi cứu học trò trong một trận bom na-pan của giặc:
Cô giáo băng mình qua bão lửa
Cứu hai em học trò
Ôi tóc em xanh biếc lá dừa
Lửa na-pan thiêu cháy còn đâu!
Lê Anh Xuân không chỉ ngưỡng mộ, ngợi ca cô giáo mà còn nặng lòng sẻ chia, quyết chí trả thù:
Ôi dáng hình em anh nhớ anh thương
Đã cháy thành ngọn đuốc.
Anh cầm tay đi khắp nẻo đường.
Mặt kẻ thù anh nhớ.
(Đuốc lá dừa)
Viết về nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lê Anh Xuân thường dành cho họ những màu sáng, đẹp và trong trẻo. Họ không những gan dạ, mưu trí, đảm đang mà còn hết lòng thủy chung với cách mạng, son sắt với người yêu. Phát triển mạch cảm hứng được hình thành từ tập Tiếng gà gáy, Lê Anh Xuân viết Bài thơ áo trắng tặng chị Nguyễn Thị Châu (nhân vật chị X trong tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân). Bài thơ ngợi ca hình ảnh một nữ sinh Sài Gòn kiên trung với cách mạng, chung thủy với người yêu (anh Lê Hồng Tư, người bị giặc kết án tử hình). Đồng thời qua đó, tác giả tự noi gương, tự soi lòng mình để càng vững tâm hơn trên bước đường chiến đấu:
Em đứng đấy dịu dàng trong nắng
Như nàng tiên mặc áo trắng ngần
Chiếc áo của em là ánh sáng
Tôi mang theo mỗi bận hành quân.
Tuy không có bài thơ nào viết về cô gái mở đường nhưng thay vào đó - Lê Anh Xuân sáng tác bài Qua cầu cũng rất nữ tính, đậm sắc hương của miền quê xứ dừa. Nếu Những cô gái mở đường trong thơ Phạm Tiến Duật dũng cảm pha chút nghịch ngợm, mạnh bạo “Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn”; thì mười hai cô gái đỡ cầu cho bộ đội qua sông trong thơ Lê Anh Xuân lại dịu dàng, trữ tình mà không kém phần can đảm:
Đi đi anh cứ qua sông
Đừng lo cầu nổi bồng bềnh nghe anh...
Đi đi anh cứ qua sông
Kịp giờ nổ súng em mừng, em vui
Chuyện mười hai cô gái Bến Tre lấy vai đỡ cầu cho bộ đội qua sông là hình ảnh có thực, rất cảm động. Lê Anh Xuân ghi lại hình ảnh đó bằng một bài thơ hay cả về tứ lẫn về tình. Tứ thơ ấy hợp với tâm hồn tươi trẻ, thiết tha cảm mến của nhà thơ:
Dưới sông ngực đập bồi hồi
Mười hai cô gái, mười hai nhịp cầu
Mặt sông ánh một trời sao
Mắt em lấp lánh sao nào đẹp hơn?
(Qua cầu)
Nếu không sống giữa lòng dân, không chiến đấu cùng nhân dân thì không thể tìm được cảm hứng nồng nàn để cất lên những câu thơ trữ tình – hùng ca như thế. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Lê Anh Xuân lại dành nhiều tâm lực để viết về người phụ nữ Bến Tre nhiều đến thế. Không riêng gì quê hương Bến Tre mà khắp mọi miền trên đất Nam bộ, đến đâu Lê Anh Xuân cũng gặp những nữ anh hùng, cả một tập thể anh hùng. Trong lửa đạn chiến tranh ác liệt, họ càng ngời lên vẻ đẹp, Lê Anh Xuân gọi họ là những cô kiều của thế kỷ hai mươi:
Tôi gặp các cô khắp nẻo đường kháng chiến
Cả thế hệ anh hùng trùng trùng như sóng biển
Cô gái Cà Mau tóc ướp hương tràm
Vác đạn, tải thương trong lửa na-pan
(Những cô Kiều)
Viết về lòng trung thành, tinh thần dũng cảm, đức hy sinh của người phụ nữ tưởng chừng như Lê Anh Xuân có thể viết mãi được. Hình tượng người phụ nữ trong thơ anh góp phần tô đậm truyền thống Bà Trưng - Bà Triệu đánh giặc giữ nước, đồng thời cũng làm dịu ngọt cho những dòng thơ giàu âm hưởng sử thi - hào sảng của anh.
Chiến tranh lùi xa mấy chục năm rồi, trở lại quê hương Đồng Khởi, trước sự đổi thay đến diệu kỳ của xứ sở nơi đây, lòng khấp khởi những niềm vui, rạo rực tự hào và không khỏi nghiêng mình nghĩ về một thời đạn bom ác liệt. Đội quân tóc dài thuở ấy... hôm nay kẻ còn người mất, tuổi đã xế chiều, những mái tóc pha màu mây trắng, trở về với đời thường, bao nỗi lo toan giữa cuộc mưu sinh trần thế. Được gặp họ để ôn cố tri tân, tôi bỗng liên tưởng đến câu thơ bình dị mà có sức lan tỏa khôn cùng của Lê Anh Xuân: “Mẹ nằm đó, bãi phù sa/ Hàm Luông nắng sớm bao la chân trời”...