Đời sống cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch

06/11/2019 - 07:13

BDK - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cùng với đó là vai trò của chính quyền, cơ quan quản lý du lịch và nhất là cộng đồng dân cư tại địa phương.

Du khách được người dân hướng dẫn đan nón lá. Ảnh: PV

Du khách được người dân hướng dẫn đan nón lá. Ảnh: PV

PGS.TS Phan Huy Xu và tác giả Võ Văn Thành trong sách “Du lịch Việt Nam, từ lý thuyết đến thực tiễn” cũng có phân tích, cộng đồng dân cư tại các điểm đến đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phối hợp với các nhà cung ứng dịch vụ du lịch để khai thác tài nguyên du lịch.

Phát huy các giá trị văn hóa địa phương

Còn nhớ trong một chuyến tham quan thực tế với đoàn các học viên là công chức văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đoàn chúng tôi đã say sưa nghe anh lái tàu du lịch (xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) giới thiệu về những đặc trưng của địa phương cùng tập quán sinh hoạt của bà con nơi đây. Qua lời kể rất tự nhiên, thoải mái của anh, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về nơi mà mình đang đi qua, biết tên đoạn rạch xanh ngát dừa nước, biết bà con ở đây chủ yếu làm nghề gì mưu sinh... Quan trọng hơn hết là cảm thấy mình được hòa vào vùng đất này như thể chính mình là người sinh ra và lớn lên ở đây.

Theo lời anh lái tàu nhiệt tình, làm nghề lái tàu chở khách du lịch đã nhiều năm, anh nhận thấy đa phần du khách, cả khách nội địa lẫn khách nước ngoài rất thích hỏi han về văn hóa địa phương. Hầu hết thông tin về các điểm đến thì các hướng dẫn viên du lịch đã nắm vững và đã truyền đạt lại cho khách nhưng du khách vẫn thích được giao tiếp với người dân địa phương hơn. Thực tế cũng cho thấy, du lịch tự túc, du lịch trải nghiệm văn hóa đang ngày càng phát triển, là một trong các xu hướng phát triển du lịch hiện đại. Trong đó, cụ thể nhất là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của loại hình homestay (cho khách lưu trú tại nhà dân) với nhiều hoạt động kết hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động gần gũi với đời sống của người dân địa phương từ nấu ăn, làm nông cho đến tham gia các hoạt động thường nhật tại nhà, các sự kiện văn hóa của địa phương.

Lấy một ví dụ khác về cách làm du lịch của cộng đồng dân cư tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở miền Bắc, đã góp phần tạo nên đặc trưng riêng của nơi này. Chị Lê Thị Hồng Vân (du khách TP. Cần Thơ) hào hứng thuật lại: “Khi đến làng cổ Đường Lâm, đoàn chúng tôi được tiếp cận nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân vùng này như: thói quen ăn trầu, nghề làm tương, kháp rượu…”. Điều thú vị khiến chị Hồng Vân và đoàn cùng đi ấn tượng nhất là việc đoàn tự túc đi đến làng cổ và những điều mà nhóm khám phá về văn hóa ở Đường Lâm hoàn toàn do người dân địa phương giới thiệu. Điều đó cho thấy, người dân ở đây hoàn toàn chủ động và ý thức được vai trò của mình trong làm du lịch, dù là tại các điểm tham quan hay tại các điểm công cộng bình thường của làng cổ.

Và như vậy, theo PGS.TS Phan Huy Xu và tác giả Võ Văn Thành, cộng đồng dân cư địa phương - chủ thể của văn hóa địa phương cũng có thể được coi là tài nguyên du lịch tại chỗ, là đối tượng mà du khách tham quan tìm hiểu, tiếp xúc để cảm nhận các giá trị văn hóa ở nơi mà họ đến.

Người dân địa phương hướng dẫn cho du khách trải nghiệm một công đoạn dệt chiếu tại làng chiếu Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre). Ảnh: T. Đồng

Người dân địa phương hướng dẫn cho du khách trải nghiệm một công đoạn dệt chiếu tại làng chiếu Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre). Ảnh: T. Đồng

Giữ gìn và xây dựng môi trường du lịch

Là người trực tiếp tác động đến hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của mình và đồng thời cũng là môi trường du lịch. Theo Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, một số vấn đề mà cộng đồng dân cư cần lưu ý để giữ gìn và xây dựng môi trường du lịch như: lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện, nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu; có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng…

Để phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động du lịch, đối với du lịch Bến Tre nói riêng, thời gian qua, ngành chức năng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm… nhằm tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về lợi ích của du lịch và vai trò của cộng đồng trong khai thác du lịch ở địa phương. Trong đó chú trọng giúp cộng đồng dân cư ý thức được vai trò của mình trong phát triển du lịch địa phương: cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng thời được hưởng quyền lợi từ hoạt động du lịch mang lại.

Mở rộng hoạt động kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch là một trong các trụ cột được xác định sẽ tập trung phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với sự vào cuộc của nhà nước và ngành chức năng, để phát triển du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng, tương xứng với tiềm năng, cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư, 1 trong 5 thành tố quan trọng của hoạt động du lịch cùng với tài nguyên du lịch, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, du khách và Nhà nước.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN