Đổi thay trên quê hương Minh Đức

04/05/2020 - 06:53

BDK - 45 năm đã đi qua với biết bao đổi thay trên quê hương Minh Đức. Đặc biệt là những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Minh Đức đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng: kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh trật tự đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao.

Chuẩn bị đưa vào sử dụng trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

Chuẩn bị đưa vào sử dụng trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

Kinh tế phát triển

Về Minh Đức vào những ngày tháng Tư lịch sử, đi đâu trong vùng nông thôn cũng thấy sự đổi thay rõ nét của làng quê vốn chịu nhiều vết thương chiến tranh. Bà Phạm Thị Hoa, nông dân ở Ấp 1 hồ hởi cho biết: Mặc dù đời sống hàng ngày bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và hạn mặn hoành hành, nhưng đến kỷ niệm 45 năm Ngày miền Nam giải phóng 30-4, bà con chúng tôi ai nấy đều phấn khởi. Mọi người gặp nhau là nhắc lại thời kháng chiến oanh liệt, những gian khó trong suốt thời gian dài khôi phục và xây dựng để có sự chuyển mình của xã Minh Đức hôm nay. Chúng tôi kỳ vọng trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền tiếp tục nỗ lực, bà con nhân dân đồng thuận xây dựng xã nhà phát triển đi lên nhanh hơn.

Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Bút cho biết: Trong bối cảnh chung, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của xã vẫn giữ mức tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng về thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người 5 năm gần đạt 50 triệu đồng/năm, tăng 15% so với nghị quyết - NQ (NQ là 35 triệu đồng). Xã đã tập trung thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực, kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Minh Đức chọn khâu đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ lực gắn với nhu cầu của thị trường. Hai sản phẩm chủ lực của địa phương là cây dừa và con heo được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6,24%/năm. Xã đã triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, diện tích, sản lượng vườn dừa, cây ăn trái đều tăng. Diện tích dừa toàn xã 1.338ha, đạt 113% so với NQ, năng suất đạt 12 ngàn trái/ha/năm. Cải tạo 102ha vườn dừa, trồng xen trong vườn dừa khoảng 44,5ha, đã tiến hành liên kết với Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới trong việc tiêu thụ dừa của nông dân; đã phối hợp vận động 118 hộ xây dựng vườn dừa hữu cơ với tổng diện tích 105ha.

Xã cũng quan tâm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 07 của Huyện ủy đạt kết quả khá tốt, đảm bảo tính bền vững cao. 36 hộ nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh trong vườn dừa với diện tích 22,25ha, tăng 32 hộ; 173 hộ nhân rộng mô hình khắc phục hiện tượng dừa treo trái, tăng 108 hộ; 219 hộ xử lý chất thải bằng hệ thống biogas khí sinh học, tăng 191 hộ; 16 hộ nhân rộng các mô hình trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tăng 10 hộ. Kinh tế tập thể có bước phát triển tốt hơn, đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Minh Đức với 150 xã viên, vốn điều lệ 273 triệu đồng, hiện đã đi vào hoạt động ổn định.

Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng phát triển tích cực, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,4%/năm (NQ 7,5%/năm). Toàn xã có 7 cơ sở may công nghiệp, 5 cơ sở sơ chế dừa, 8 cơ sở đan ghế nhựa, đan giỏ lục bình và một số ngành nghề nông thôn, nhất là nghề xây dựng đã giải quyết việc làm ổn định cho 680 lao động và trên 1.200 lao động tham gia làm gia công tại gia đình. Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển khá mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 13%/năm (NQ 12,3%/năm), hiện có 524 hộ kinh doanh dịch vụ, tăng 59 hộ so với nhiệm kỳ trước. Hiện xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), tăng 5 tiêu chí so với nhiệm kỳ trước. Hiện xã đang thực hiện quyết liệt 3 tiêu chí còn lại để được công nhận NTM trong quý II năm 2020.

Văn hóa lịch sử

Những ngày này về Minh Đức, khắp các nẻo đường đều treo băng-rôn, cờ hoa rực rỡ hướng đến kỷ niệm ngày sinh của Bác (19-5). Tháng Năm, ở Bến Tre, mọi người nhắc đến địa chỉ có liên quan về Bác Hồ là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Tuyên Linh, ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam. Ngôi chùa nằm cạnh dòng sông Tân Hương hiền hòa nối liền sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Theo sách sử ghi lại, thời gian cụ Phó bảng tá túc ở ngôi chùa này lâu nhất là từ năm 1927 - 1929. Tại đây, cụ đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa đàm đạo việc dân, việc nước.

 Ông Nguyễn Hải Phong, cán bộ về hưu kể lại: Ngoài sự kiện lịch sử cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lưu lại, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Tuyên Linh còn là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã 2 lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Sau chiến tranh, chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ với diện tích khuôn viên chùa trên 9.000m2. Ngày nay, bên cạnh chùa Tuyên Linh còn có một khu lưu niệm khá quy mô đang được khẩn trương thi công. Khi hoàn thành sẽ tạo một quần thể di tích lịch sử thu hút đông đảo khách tham quan.

Ông Phan Văn Hải, cán bộ hưu trí, Ấp 2 cho biết, kinh tế ổn định, chính quyền địa phương rất quan tâm đến văn hóa tinh thần của người dân. Trong đó gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng xã nông thôn mới. Hầu như các thiết chế về văn hóa, hoạt động văn hóa tinh thần của người dân đã được quan tâm đầu tư đúng mức, hầu hết các tụ điểm văn hóa, sinh hoạt của người dân đều có tại các ấp.

Bí thư Đảng ủy xã Ngô Văn Hoàng cho biết, trong 5 năm tới, xã có nhiều thuận lợi cơ bản, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường tiếp tục được phát huy. Chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị của xã được giữ vững ổn định. Một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất được hình thành, thương mại - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được mở rộng về quy mô và số lượng. Hệ thống giao thông được đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới sẽ mở ra nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển, tạo nên bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

“Sắp tới xã tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị. Phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục đột phá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa và con người. Phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới năm 2020; đến năm 2025 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao”.

 (Bí thư Đảng ủy xã Ngô Văn Hoàng)

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN