Đổi thay trên quê hương Thạnh Phước

09/10/2020 - 07:27

BDK - Thạnh Phước là một trong những xã thuộc tiểu vùng IV của huyện Bình Đại, có diện tích tự nhiên hơn 5.271ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp nuôi thủy sản với con tôm là chủ lực, với hơn 5.000ha. Lợi thế của xã là phát triển kinh tế thủy sản kết hợp du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định hướng đi này nhằm tạo sự đột phá, làm thay đổi “diện mạo mới” trên quê hương 2 lần anh hùng.

Những công trình khang trang được xây dựng trên quê hương Thạnh Phước.

Những công trình khang trang được xây dựng trên quê hương Thạnh Phước.

Phát triển về phía Đông

Thạnh Phước có 2.610 hộ dân với 9.429 nhân khẩu, 7 ấp, 92 tổ nhân dân tự quản. Là một xã thuần nông, địa bàn khá rộng, tiềm năng kinh tế thủy sản của địa phương còn dồi dào, chủ yếu diện tích nuôi gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn với hơn 4.000ha theo quy hoạch, sản lượng bình quân đạt 6.700 tấn/năm tôm, cá các loại. Ngoài con tôm, các loại nhuyễn thể như sò huyết, hàu cũng được người dân tận dụng đất bãi bồi ven sông, rạch thả nuôi, năng suất thu hoạch bình quân hơn 14 tấn/ha/năm. Hiện nay, xã đã thành lập 1 tổ hợp tác nuôi sò, 3 tổ hợp tác và hợp tác xã thủy sản sinh thái. Trong những năm gần đây, xã phát triển mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Toàn xã có 574 cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động tại địa phương.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Võ Bằng Trúc cho biết: Kinh tế thủy sản của địa phương chủ yếu là nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh theo hướng an toàn, sinh thái. Đến nay, Thạnh Phước là một trong những xã còn giữ được hệ sinh thái rừng ngập mặn, đây cũng là lợi thế để địa phương phát triển du lịch, hiện đã có mô hình du lịch sinh thái homestay. Dự án điện năng lượng mặt trời đã và đang được xúc tiến, triển khai trên địa bàn xã. Cùng với các xã như: Thới Thuận, Thừa Đức thì Thạnh Phước cũng xây dựng tầm nhìn phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng về phía Đông mà trọng tâm là phát triển kinh tế thủy sản gắn với du lịch sinh thái.

“Riêng về mô hình du lịch sinh thái homestay của chị Trịnh Thị Ngọc Hiện, chúng tôi đã gắn mô hình này với việc xây dựng và phát triển liên kết chuỗi sản phẩm OCOP của địa phương như: sản phẩm tôm khô, mắm tôm chua… để quảng bá cho khách du lịch”, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Võ Bằng Trúc cho biết thêm.

Tiến tới xã nông thôn mới nâng cao

Thạnh Phước là xã anh hùng, trải qua 2 cuộc chiến tranh, toàn xã có 321 gia đình có công với cách mạng, trong đó, có 218 liệt sĩ, 77 thương binh và 46 mẹ Việt Nam anh hùng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, năm 2005, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và vinh dự đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư về thăm. “Đây cũng là động lực lớn để Đảng bộ và nhân dân xã nhà phát huy nội lực, cùng chung sức, chung lòng xây dựng Thạnh Phước vươn lên giàu đẹp như hôm nay” - Chủ tịch UBND xã Võ Bằng Trúc cho biết thêm.

3 xã vùng biển của huyện Bình Đại đã có 2/3 xã đạt chuẩn NTM. Riêng Thới Thuận đang trên đường xây dựng xã NTM nâng cao và đô thị loại V.

Về lại Thạnh Phước trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự “thay da, đổi thịt” của một xã vùng biển. Nếu đi từ hướng huyện lộ 40 xuống hay đi từ hướng ngã tư Tán Dù vào Thạnh Phước đều có những hàng cây xanh che rợp bóng mát, nhà cửa người dân mọc lên san sát, nhiều công trình dân sinh được đầu tư xây dựng mới như: Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, Trường Tiểu học Trà Thị Cụt, Trường THPT Thạnh Phước cũng đạt chuẩn Quốc gia. Trụ sở hành chính xã, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và các nhà văn hóa ấp đều được xây dựng khang trang.

Con đường về ấp Phước Bình giờ đã khác hẳn, những tuyến đường hoa đẹp, thẳng tắp như tô thêm vẻ đẹp cho bức tranh vùng quê biển này thêm màu sắc. Đây cũng là ấp được Đảng ủy xã chọn để xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ huyện lộ 40, trục đường chính đi qua trung tâm xã, những tuyến, trục lộ sườn xẻ dọc kết nối các ấp trên địa bàn xã với các địa phương khác được thông suốt, thoáng rộng và thuận lợi cho việc vận chuyển hàng nông, thủy sản, giao thương hàng hóa giữa Thạnh Phước với các xã biên giới biển của huyện Ba Tri như: Bảo Thạnh, Bảo Thuận và các xã tiếp giáp như Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, thị trấn Bình Đại.

“Trên lĩnh vực kinh tế thủy sản đã có sự chuyển biến tích cực, hiện toàn xã có 39 hộ nuôi tôm công nghệ cao 2, 3 giai đoạn. Đây là hướng đi mới địa phương đang nhân rộng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,3 triệu đồng (so với năm 2011 là 29 triệu đồng/người/năm). 2/3 nhiệm vụ đột phá mà Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là thu hút đầu tư và phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Xây dựng đạt chuẩn xã NTM vào năm 2020,  xã NTM nâng cao vào năm 2024 và xã NTM kiểu mẫu vào năm 2030” - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Võ Bằng Trúc cho biết.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN