Đổi thay trên vùng đất Y4

04/09/2023 - 05:26

BDK - Nhắc đến Y4 - Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, thì ai cũng biết đến đó là xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc hiện nay. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này đã “anh dũng, kiên cường” trong kháng chiến và giàu nghị lực vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội. Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Tây Bùi Văn Tuấn cho biết, địa phương đang phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong xây dựng nông thôn mới (NTM), mà cụ thể là sớm xây dựng Tân Phú Tây đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào cuối nhiệm kỳ này.

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của xã Tân Phú Tây.

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của xã Tân Phú Tây.

Nghĩa tình trọn vẹn

Ông Huỳnh Bình Minh năm nay 72 tuổi, xã Tân Phú Tây cho biết, Y4 thuộc ấp Tân Hòa Ngoài, là nơi Thường trực Ban Chỉ huy Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đóng quân, các cơ quan khác thuộc Khu ủy thì đóng ở địa bàn các xã lân cận. Đây là căn cứ “tối mật” được bảo vệ “3 lớp” nghiêm ngặt, không có người lạ vào được khu vực này. Ngoài Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, còn có đơn vị của Huyện đội Mỏ Cày đóng ở lân cận. “Tân Phú Tây bấy giờ còn là một cánh đồng lúa nhưng địa bàn rất phức tạp, để bảo vệ được Khu ủy, đòi hỏi rất nghiêm ngặt, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và có sự đùm bọc, che chở của người dân địa phương”, ông Huỳnh Bình Minh cho biết, khi đó ông là Xã đội phó.

Là “vùng tự do” nên Tân Phú Tây chịu sự tàn phá rất nặng nề bởi bom đạn. Chỉ tay về phía trước nhà, ông Huỳnh Bình Minh nói, ở ngoài phía đó, B52 thả bom bừa nát cả vườn dừa. Tân Phú Tây cũng chịu không biết bao nhiêu trận càn quét của Mỹ - ngụy, ấy vậy mà địa phương đã bảo vệ tuyệt mật và an toàn cho Khu ủy trong 2 năm 1969 và 1970.

Sau giải phóng, nhiều đồng chí từng sống và làm việc ở Y4, là lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đã trở về thăm lại Tân Phú Tây. Một trong những kỷ niệm khó quên đối với ông Huỳnh Bình Minh là lần đầu tiên tỉnh nhà có điện thì Tân Phú Tây cũng được kéo điện về. “Đây là nghĩa tình sâu đậm, trọn vẹn của anh Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, dành cho xã Tân Phú Tây. Nhờ đó, địa phương có sự phát triển vượt bậc như bây giờ”, ông Huỳnh Bình Minh nhớ lại.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xã Tân Phú Tây có 6 ấp, với hơn 6.900 hộ dân, 2.150 nhân khẩu, sinh hoạt tại 84 tổ nhân dân tự quản. Đời sống kinh tế thuần nông với canh tác vườn dừa (965ha), kết hợp chăn nuôi và mua bán nhỏ. Trong những năm gần đây, người dân địa phương đã phát triển mạnh nghề làm cây giống và hoa kiểng. Cây giống cho thu nhập ổn định nên xu hướng gia tăng (có hơn 41ha). Diện tích hoa kiểng hơn 2ha, sản lượng đạt 34.150 sản phẩm các loại. Đối với cây dừa, xã đang tiến hành xây dựng mã số vùng trồng hướng đến liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập từ vườn dừa cho bà con địa phương. Toàn xã có 3 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, có 590 cơ sở sản xuất, kinh doanh với các lĩnh vực chủ yếu như may mặc, sơ chế cơm dừa, sản xuất thạch dừa thô, kẹo dừa, bánh phồng chuối…, giải quyết cho hơn 450 lao động tại địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 56,48 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42% (52 hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,35% (29 hộ).

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Tây Bùi Văn Tuấn cho biết: Năm 2009, Tân Phú Tây đạt chuẩn xã văn hóa, đến năm 2017, địa phương xây dựng thành công khá sớm xã NTM. Hiện nay đang tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Đồng khởi mới” xây dựng xã NTM nâng cao. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Tân Phú Tây có 274 đảng viên, 12 chi bộ trực thuộc. Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành công 4/6 chi bộ ấp đạt “trong sạch, vững mạnh toàn diện”…

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN