Đồng bộ hạ tầng giao thông đẩy mạnh liên kết vùng

01/01/2025 - 05:33

BDK - Với sứ mệnh “đi trước mở đường”, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã có những đóng góp quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới của tỉnh. Trong năm 2024, ngành GTVT đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện có khoảng gần 600 công nhân lao động, cán bộ kỹ thuật tại công trình đang làm việc xuyên Tết Dương lịch 2025 để đẩy nhanh tiến độ công trình cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: TTXVN

Nhiều dự án trọng điểm

Đến nay, dự án (DA) cầu Rạch Miễu 2 công tác bàn giao mặt bằng đạt 100%. Công tác giải ngân đạt 99,44%. DA Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 đang triển khai thi công 2 gói thầu, tiến độ thi công ước đạt 83% và đạt 63%. Công tác bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn thành.

Tuyến đường bộ ven biển, DA cầu Cửa Đại với tổng mức đầu tư khoảng 4.749,8 tỷ đồng và cầu Cổ Chiên 2 tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang phối hợp với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh trình Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư DA.

DA tuyến đường bộ ven biển thuộc Chương trình DPO, tỉnh đã đề xuất nguồn vốn đầu tư DA từ khoản vay hỗ trợ bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (Chương trình DPO) và ngân sách tỉnh đối ứng với dự kiến tổng mức đầu tư DA 7.905 tỷ đồng.

DA cầu Ba Lai 8, với tổng mức đầu tư 2.255 tỷ đồng. DA đã khởi công vào ngày 2-10-2024, đang triển khai gói thầu số 1 và số 2 (phần đường và cầu chính), gói thầu xây lắp số 3 đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp.

DA xây dựng cầu Đình Khao kết nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre do UBND tỉnh Vĩnh Long làm cơ quan chủ quản đầu tư DA. Tổng mức đầu tư DA chưa gồm lãi vay 2.846 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện đấu thầu, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật.

DA cầu Mỏ Cày thuộc DA nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) có tổng mức đầu tư 2.156 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cầu Mỏ Cày là 194,44 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng). DA đã hoàn thành thi công 2 trụ cầu dưới nước (trụ T5, T6). Công tác bàn giao mặt bằng đạt 0,23/3,5ha (đạt 6,6%).

Nạo vét luồng kênh Chợ Lách, xây dựng kè bảo vệ bờ, xây dựng cầu Chợ Lách 2, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường thủy, cống thoát nước và các đường dân sinh dọc theo tuyến kênh Chợ Lách thuộc DA Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư 3.899,88 tỷ đồng.

Năm 2024, đã triển khai xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn (GTNT) 236,253km, đạt 90% so với kế hoạch năm. Tổng nguồn vốn năm 2024 được giao đến nay là 195,855 tỷ đồng. Giải ngân đến thời điểm báo cáo 135,983 tỷ đồng. Phấn đấu, hoàn thành các công trình theo kế hoạch năm và giải ngân 100% dự toán được giao.

Năm 2024, bên cạnh những thuận lợi, ngành GTVT còn gặp không ít khó khăn. Giám đốc Sở GTVT Cao Minh Đức cho biết: “Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Nguồn vốn phân bổ hàng năm cho công tác duy tu, sửa chữa chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu. Các trục giao thông chính, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trọng yếu được xây dựng từ 10 - 15 năm đã đến thời kỳ trùng tu, đại tu theo quy định nhưng chưa có kinh phí để thực hiện”.

Nhiệm vụ Tập trung thực hiện

Ngành GTVT xác định, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đảng ủy, Ban lãnh đạo Sở GTVT phải tập trung lãnh đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đạt cao nhất các chỉ tiêu NQ đại hội đã đề ra trên lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành và lãnh đạo cụ thể hóa triển khai thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển. Ảnh: Thạch Thảo

Mục tiêu ngành đề ra là lãnh đạo thực hiện tốt công tác sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy, triển khai thực hiện nhiệm vụ thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các công trình, DA trọng điểm của tỉnh.

Về những công trình mang tính bứt thiết, nhằm giúp tỉnh phát triển lĩnh vực GTVT trong thời gian tới, tỉnh đã có kế hoạch kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ liên kết vùng như: Xây dựng cầu An Hóa 2 và đường dẫn hai bên trên quốc lộ (QL) 57B (Tổng mức đầu tư khoảng 715 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ, thời gian thực hiện DA năm 2026 - 2030). Dự án QL.57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng. Xây dựng cầu Hàm Luông 2 và đường dẫn vào. Nâng cấp đoạn 2, 3, 4 thuộc DA đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến QL.60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre theo hình thức hợp đồng BOT. DA xây dựng cầu Tân Phú thay thế phà Tân Phú trên QL.57B. Xây dựng tuyến tránh các QL.57, QL.57B, QL.57C đoạn qua các thị trấn (Quy mô đầu tư đường cấp III đường bằng, nguồn vốn đầu tư kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ). Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (chiều dài tuyến dài 150km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh khoảng 37,5km, quy mô đầu tư 4 làn xe, kiến nghị Bộ GTVT sớm nghiên cứu xây dựng do tỉnh chưa có đường cao tốc).

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành GTVT, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng: Với truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa Bộ GTVT và Xây dựng, cơ quan hợp nhất sẽ “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” thực hiện tốt sứ mệnh phát triển hệ thống hạ tầng, đô thị “Đồng bộ - Hiện đại - Xanh thông minh”, tạo được tiền đề và động lực cùng nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN