Đồng chí Trần Văn Kiết - Trọn đời cống hiến cho cách mạng và báo chí

19/06/2024 - 05:23

BDK - Sự ra đời của tờ báo Dân Chúng đánh dấu một “mốc son” trong lịch sử và sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng ta trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tờ báo do Tổng Bí thư Hà Huy Tập nhất trí chủ trương xuất bản. Trong số những người có công đáng kể trong Ban biên tập của tờ Dân Chúng là đồng chí Trần Văn Kiết, sinh năm 1911, xuất thân từ một gia đình phú nông, làng Phú Phụng, nay là xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Tượng đồng chí Trần Văn Kiết trong khuôn viên ngôi trường THPT mang tên ông tại huyện Chợ Lách. Ảnh: Cẩm Trúc

Giữ cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng

Đồng chí Trần Văn Kiết có bí danh là Rémi (Rémy), Trần Anh Kiệt, Lê Văn Kiệt. Tên thường dùng là Văn. Gia đình đồng chí là cơ sở hội họp, móc nối cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương trong thời kỳ bí mật vào những năm 1930 - 1931 và cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Sau khi học xong bậc tiểu học ở trường tỉnh lỵ Vĩnh Long, đồng chí Trần Văn Kiết được cha gửi lên Sài Gòn học tiếp ở Trường Chasseloup Laubat, cùng một lớp với đồng chí Trần Văn Giàu. Đồng chí Trần Văn Kiết tham gia các hoạt động cách mạng từ cuối năm 1925, đầu năm 1926. Sau đó, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Vĩnh Long vào năm 1928.

Năm 1930, sau khi hoàn thành khóa học ở Sài Gòn, đồng chí Trần Văn Kiết sang Pháp để tiếp tục học tập. Đồng chí thi đậu vào Trường Đại học Toulouse và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Trong thời gian này, đồng chí tham gia các hoạt động chống Pháp áp bức ở Đông Dương, đồng hành cùng với các bà con Việt kiều ở đây. Năm 1931, nhờ sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí đến Matxcơva, Nga để học tập tại Trường Đại học Phương Đông.

Sau Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (năm 1935), tại Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Trần Văn Kiết, bí danh là Rémy, được bầu vào danh sách 12 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong, bí danh Lítvinốp làm Tổng Thư ký (tức Tổng Bí thư). Đến tháng 3-1936, đồng chí Trần Văn Kiết được bổ sung vào Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư.

Từ báo Tiền Phong, Dân chúng…

Năm 1936, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuyển cơ quan lãnh đạo về nước, đồng chí Trần Văn Kiết được Tổng Bí thư Hà Huy Tập đề nghị về nước để tiếp tục công tác. Đồng chí tiếp tục hoạt động báo chí. Ban đầu là thành viên Ban biên tập của tờ Le Peuple và tờ Dân Chúng. Sau đó, đồng chí được cấp trên chỉ thị phụ trách cả hai tờ này.

Trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Tờ Dân Chúng xuất bản ở Sài Gòn từ tháng 7-1938 là tờ báo đầu tiên đã bất chấp đạo luật cấm phát hành nếu không được phép trước. Sau khi nó ra đời được một tháng, quyền tự do báo chí được ban hành. Nhưng hàng ngày, người ta cứ tìm cách cắt xén và thủ tiêu đi... Tôi nghĩ rằng, Dân Chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc nhất Đông Dương. Vì số lượng phát hành của nó lớn hơn tất cả - mỗi số một vạn bản”.

Ngày 7-3-1939, mật thám Pháp ập vào khám xét tòa soạn. Mặc dù không tìm ra chứng cứ phạm pháp nào, chúng cũng bắt đồng chí Trần Văn Kiết cùng các cộng sự. Trung ương Đảng liền ra thông cáo khẩn cấp tố cáo chính phủ Pháp đàn áp báo chí và kêu gọi “Các Đảng bộ cần phải tổ chức nhiều cuộc mít-tinh quần chúng phản đối khủng bố để tiêu biểu lực lượng của quần chúng xứ này ủng hộ Đảng ta và tờ báo Dân Chúng...”.

… Đến báo Giải Phóng

Trong khi đồng chí Trần Văn Kiết bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra, bọn thực dân Pháp chuyển số tù chính trị đi an trí ở “căng” Tà Lài, trong số đó có đồng chí Trần Văn Kiết. Ở đây, đồng chí được tín nhiệm bầu vào Ban lãnh đạo của trại cùng với các đồng chí Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông... tham gia giảng dạy lý luận, chính trị, báo cáo tình hình thế giới, trong nước, đường lối và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, nhằm giúp anh em tù nhân củng cố lại nhận thức, quan điểm, nắm chắc hơn đường lối cách mạng của Đảng.

Năm 1941, đồng chí Trần Văn Kiết cùng với các đồng chí Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Nguyễn Công Trung... vượt ngục về Sài Gòn, móc nối lại được cơ sở cũ, lấy bí danh là Lê Văn Kiệt, tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1942, đồng chí tham gia lập ra Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (gồm 4 người là Bùi Văn Dự, Nguyễn Công Trung, Lê Văn Kiệt và sư Thiện Chiếu), do đồng chí Bùi Văn Dự làm Bí thư Thành ủy đã quyết định ra tờ báo “Giải Phóng”, do đồng chí Trần Văn Kiết, Nguyễn Công Trung biên tập, trụ sở đặt tại xóm Bàn Cờ.

Rạng sáng 6-7-1943, do có kẻ phản bội chỉ điểm, đồng chí Trần Văn Kiết và đồng chí Nguyễn Công Trung bị bọn mật thám Pháp bắt tại Chợ Lớn giải về bót Catinat. Chúng đánh hai đồng chí rất dã man nhưng không khai thác được gì. Như biết được vai trò quan trọng của đồng chí Trần Văn Kiết, tên Chánh mật thám Marcel Bazin đã đánh đồng chí hy sinh ngay tại phòng tra tấn. Lúc ấy,  đồng chí Trần Văn Kiết mới 32 tuổi và chưa lập gia đình.

Liệt sĩ Trần Văn Kiết đã hy sinh cuộc sống giàu sang, danh lợi và cả hạnh phúc cá nhân để cống hiến trọn vẹn đời mình cho cách mạng đúng như nhận định của nhà nghiên cứu Vũ Hoài An: “Sự ra đời và phát triển của báo Dân Chúng trong những năm 1938, 1939 có sự đóng góp không nhỏ của Trần Văn Kiết. Ông là một tấm gương sáng của người trí thức yêu nước Nam Bộ, một người Cộng sản chân chính đã hy sinh tất cả hạnh phúc của cá nhân để cống hiến trọn vẹn đời mình cho cách mạng, cho báo chí”.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng tự hào chia sẻ: “Đồng chí Trần Văn Kiết đã để lại cho chúng ta một tấm gương cao cả về tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Đảng và cách mạng, chiến đấu không mệt mỏi vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Ngày nay, để bày tỏ niềm tự hào về cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Trần Văn Kiết, lãnh đạo huyện Chợ Lách đã chọn tên đồng chí để đặt cho một con đường và một ngôi trường THPT ngay tại trung tâm của huyện. Bức tượng của đồng chí Trần Văn Kiết cũng được đặt ở một vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường để luôn nhắc nhớ thế hệ trẻ  tiếp tục kế thừa truyền thống yêu nước, không ngừng phấn đấu học tập và cống hiến vì sự phát triển quê hương.

“Thế hệ trẻ hôm nay cần học tập và làm theo tấm gương của các bậc cách mạng tiền bối như đồng chí Trần Văn Kiết. Chúng ta phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành những người có ích, cùng nhau góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, không phụ lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tiền bối đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại cho chúng ta độc lập và tự do như ngày hôm nay”.

(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng)

Hữu Lia - Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN