Đóng góp xây dựng dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

27/09/2015 - 16:04

Ngày 25-9-2015, ông Trần Dương Tuấn - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Tham dự, có đại diện lãnh đạo một số cơ quan tỉnh, đại diện lãnh đạo các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia; đại diện các cơ quan tố tụng của các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và TP. Bến Tre.

Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự có 10 chương, 72 điều luật. Luật quy định về nguyên tắc tổ chức, quan hệ phối hợp, giám sát, kiểm sát hoạt động điều tra hình sự (ĐTHS); về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra và của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; về điều tra viên và các chức danh khác trong ĐTHS; về bảo đảm điều kiện cho hoạt động ĐTHS và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu thống nhất như dự thảo về một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; cho rằng, việc giao cho cơ quan kiểm ngư có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra là phù hợp, nhằm góp phần tốt hơn công tác đấu tranh chống tội phạm trên biển. Đại biểu thống nhất với dự thảo, không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mà quy định đây là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã… nên việc giao cho các cơ quan này tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều tra là cần thiết…

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có 35 chương, 489 điều luật. Đại biểu thống nhất với các nội dung: về “nguyên tắc suy đoán vô tội” và nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” theo Điều 13 và Điều 26 của dự thảo; bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35 của dự thảo), nhằm tăng cường và góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đại biểu thống nhất với phương án 1 của dự thảo đối với nội dung về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội. Về thời hạn tạm giam (Điều 169 của dự thảo), đại biểu thống nhất như chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc để đảm bảo sự tương thích giữa thời hạn tạm giam và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN